Đài quan sát khoa học không gian mạnh nhất thế giới này đã được đưa vào không gian sau thành công của kính viễn vọng Hubble, và bắt đầu truyền về những hình ảnh vũ trụ đầu tiên từ tháng 7.
Hình ảnh sao Mộc được chụp bởi kính viễn vọng James Webb. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người đứng đầu Văn phòng sứ mệnh Webb thuộc Viện Khoa học viễn vọng không gian tại Blatimore, ông Massimo Stiavelli cho biết: “Kính viễn vọng không gian James Webb đã vận hành tốt hơn dự kiến về mọi mặt. Các công cụ hiệu quả hơn, mắt kính tinh nhạy hơn và ổn định hơn. Chúng ta tích được nhiều nhiên liệu hơn và sử dụng ít nhiên liệu hơn”. Sự ổn định đóng vai trò quan trọng để tạo ra sự trong sáng của hình ảnh. Chuyên gia trên cho biết: “Yêu cầu của chúng tôi đặt ra tương tự như đối với Hubble về độ chính xác. Và cuối cùng chúng tôi đã có độ chính xác gấp 7 lần”.
Công chúng đã được chiêm ngưỡng những hình ảnh màu sắc sống động từ không gian. Ánh sáng từ các dải ngân hà xa xôi nhất trải dài từ quang phổ thấy được ( tức là có thể nhìn bằng mắt thường) cho đến quang phổ hồng ngoại, nhờ kính Webb được trang bị để có thể quan sát thấy hình ảnh có độ phân giải cao chưa từng thấy. Điều này cho phép kính phát hiện những tia sáng mong manh nhất từ vũ trụ xa với độ phân giải cao chưa từng thấy, cho phép nhìn xuyên thấu các đám mây bụi thường che khuất các ngôi sao, các hành tinh và các thiên hà xa xôi, và cho phép phân tích khí quyển của các hành tinh ngoài hệ Mặt trời.
Giáo sư trợ giảng về thiên văn học của Đại học Cornell, bà Lisa Kaltenegger cho biết: “Năm đầu tiên trong quá trình quan sát là cách để thử nghiệm công cụ của chúng ta với các hành tinh đá nhỏ hơn tại vùng có thể sinh sống như Trái Đất. Các bài kiểm tra đều rất đẹp, rất ngoạn mục”.
Kính viễn vọng không gian Webb đã được tên lửa Arian 5 đưa lên quỹ đạo vào cuối năm 2021, trong khuôn khổ dự án kéo dài 30 năm tại Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Kính Webb hiện đang quay quanh quỹ đạo Mặt Trời cách Trái Đất 1,6 triệu km. Dự án đã tiêu tốn 10 tỷ USD để đưa đài quan sát nặng 6,2 tấn này vào không gian. Ngày 12/7, các hình ảnh đầu tiên cho thấy các khả năng của kính chụp được hàng nghìn dải ngân hà, có ngân hà đã ra đời từ gần thời điểm vũ trụ khai sinh.
Các nhà khoa học cho rằng các hình ảnh từ kính viễn vọng không gian Webb khiến họ phải xem lại các mô hình về sự hình thành các ngôi sao. Các nhà nghiên cứu sử dụng đài quan sát mới này đã phát hiện các ngân hà xa xôi nhất từng quan sát được, một trong số đó đã tồn tại chỉ 350 triệu năm sau vụ nổ Big Bang, tức là cách chúng ta khoảng 13,8 tỷ năm.
Các dải ngân hà xuất hiện với ánh sáng cực đại và có thể đã bắt đầu hình thành từ 100 triệu năm trước thời điểm mà chúng ta đã giả định trong các học thuyết.
Một điều ngạc nhiên khác là trong khi kính Hubble quan sát các ngân hà định hình định kỳ, độ chính xác của kính Webb cho thấy những ngân hà xoáy ốc tuyệt đẹp tương tự như thiên hà của chúng ta. Kính viễn vọng không gian Webb cũng mở ra vô số các cụm sao chứa hàng triệu ngôi sao, có thể là “mắt xích” đang còn thiếu giữa những ngôi sao đầu tiên và những ngân hà đầu tiên.
Kính viễn vọng Webb phát hiện một trong những ngoại hành tinh khí rất xa, mang tên WASP-96b. Cách Trái Đất gần 1.150 năm ánh sáng, hành tinh WASP-96b có kích cỡ bằng một nửa Mộc tinh và quay quanh ngôi sao của mình chỉ mất 3,4 ngày.
Kính viễn vọng không gian Webb cũng cung cấp sự xác nhận lần đầu tiên rằng khí CO2 hiện diện trong khí quyển của một ngoại hành tinh khác là WASP 39b. Tuy nhiên, theo chuyên gia Stiavelli, vẫn còn những điều gì đó rất lớn lao mà chúng ta chưa từng quan sát thấy hoặc chưa từng được tiết lộ.