Theo Sử ký (Tư Mã Thiên):
Lã Hậu (241 TCN – 180 TCN) hay còn gọi là Lữ Hậu, Hán Cao Hậu, thời con gái bà có tên là Lã Trĩ – là vợ của Hán Cao Tổ Lưu Bang, mẹ của Hiếu Huệ đế và công chúa Lỗ Nguyên.
Họa hình Lã Hậu |
Với vai trò là một người vợ
Bà ta đã thay chồng sát hại công thần
Lã Hậu là con người cứng rắn quyết đoán, giúp Cao Tổ bình định thiên hạ, các quan đại thần bị Cao Tổ giết phần lớn do sức của Lữ Hậu, như Hàn Tín, Bành Việt.
Hàn Tín chết vì bị Lã Hậu vu oan cho ông “âm mưu tập hợp người nhà làm phản ở kinh đô để làm nội ứng cho Trần Hy”. Khi Lưu Bang đem quân đi đánh dẹp Trần Hy, danh tướng bách chiến bách thắng Hàn Tín bị Lã Hậu lừa vào cung, bị võ sĩ trói lại rồi bị mang chém ở nhà treo chuông trong cung Trường Lạc, rồi bà ta lại sai giết cả ba họ nhà Hàn Tín.
Sau khi Lưu Bang đã dẹp xong quân của Trần Hy trở về kinh đô, thấy ông đã chết mà vừa mừng vừa thương.
Bành Việt cũng là một đại công thần “công cao lấn át chủ” cần phải trừ khử. Lã Hậu khuyên Lưu Bang: “Bành Việt là dũng tướng, nếu thả vào đất Thục mà dấy quân làm phản thì để ẩn hoạ cho mình, chi bằng giết luôn để trừ hậu hoạ”.
Lưu Bang nghe theo, Lã Hậu sai một môn khách của Bành Việt đứng ra tố cáo: Bành Việt muốn xin về Xương Ấp, thực chất là để làm phản. Lưu Bang và Lã Hậu cứ theo đó, sai Đình uý Điền Khai làm án, lệnh giết cả họ Bành Việt.
Sau lưng một người phụ nữ ác nghiệt, thường là một người đàn ông vô tình. |
Ngoại tình
Khi Lã Trĩ và cha chồng là Lưu Công bị Hạng Vũ bắt làm con tin, Thẩm Tự Cơ vốn là xá nhân của Lưu Bang bắt đầu đi theo hầu hạ cho bà, và trở thành tình nhân của bà ta.
Sau khi trở thành hoàng hậu, nếu Lưu Bang không bỏ mặc bà chốn hậu cung, không vì sủng ái Thích Cơ mà hết lần này đến lần khác đòi phế thái tử, đe dọa đến địa vị Lã Hậu của bà, rũ bỏ những hi sinh của bà cho ông ta, thì rất có thể, lịch sử đã có một Lã Hậu khác.
Lũng đoạn triều chính, vi phạm lời thề của Hán Cao Tổ
Trước khi chết, Hán Cao Tổ lường trước được dã tâm của người vợ, ông từng tuyên bố trước tất cả các quan tướng rằng phải giết tất cả những kẻ không phải họ Lưu mà đòi làm vương.
Sau khi chồng mất, vì thái tử Lưu Doanh còn nhỏ, Lã Hậu sợ các tướng không phục sẽ làm loạn bèn bày mưu tính kế để “lâm triều xưng chế”.
Bà ta phong vương phong hầu phong tướng cho hàng loạt con em họ Lã, làm lũng đoạn triều đình nhà Hán trong khoảng thời gian bà ta cầm quyền.
Thái Hậu lộng quyền |
Ngoài ra, bà ta còn cất nhắc tình nhân Thẩm Tự Cơ lên làm Tả thừa tướng. Tư Mã Thiên đã kín đáo bình về việc này trong Sử ký: "Tả thừa tướng không làm việc nước, chỉ xem xét việc ở trong cung". Tự Cơ được Lã Hậu sủng ái tin dùng, nhiều quan lại muốn được việc phải nhờ cậy lão.
Trả thù tình địch – giết vợ bé của chồng một cách man rợ
Trong các phi tần của Hán Cao Tổ, bà ta đặc biệt căm ghét Thích phu nhân, vì Thích phu nhân cậy được sủng ái, lại sợ sau khi Hán Cao Tổ mất sẽ không còn chỗ dựa nên nhiều lần khóc lóc đòi Cao Tổ lập con mình lên thay thái tử. Cao Tổ mấy lần nghe theo nhưng bị quần thần can gián nên không thể thay thái tử.
Vì thế, bà ta hậu đãi các phi tần khác theo luật đề ra, riêng với Thích phu nhân, Sử ký chép: “Thái hậu chặt tay chân, móc mắt cắt tai, cho uống thuốc thành câm, cho ở trong nhà tiêu gọi đó là “con người lợn””.
Lại còn gọi Hiếu Huệ đế đến xem “con người lợn” khiến ông ta khóc rống lên, mắc bệnh, ốm hơn 1 năm không dậy nổi, phải sai người nói với thái hậu: “Việc đó không phải việc con người làm! Tôi là con của Thái hậu, không thể nào trị được thiên hạ!”. Đây là một lối viết rất tàn nhẫn của Tư Mã Thiên.
Là một người mẹ
Con trai chết, không chảy nước mắt
Năm 191 TCN, Hiếu Huệ đế mất, Thái hậu khóc mà không rỉ một giọt nước mắt. Bà ta và người tình Thẩm Tự Cơ âm mưu giết hại các vị công thần không chịu phục tùng mình.
Khi các vị đại thần vì muốn tránh mầm họa đã phải nghe theo lời khuyên của Trương Tích Cương, đồng ý để cho hai người họ Lã làm tướng quân, lúc này Lã Hậu “khóc mới thảm thiết”. Đây lại là một lời nhận xét tàn nhẫn và mỉa mai của Tư Mã Thiên.
Giết 3 người con của chồng
Người thứ nhất là Triệu vương Như Ý, vì mẹ là Thích cơ bị Thái hậu căm ghét, nhân lúc Hiếu Huệ đế đi săn buổi sớm, không đưa Như Ý đi cùng được nên đã không thể bảo vệ Như Ý, nghe tin vương ở một mình, Thái hậu liền sai người mang thuốc độc đến ép Triệu vương uống.
Người thứ hai, cũng là Triệu vương, tên là Lưu Hữu. Ông được phong làm Triệu vương sau khi Như Ý bị giết. Lã Thái hậu gả một người con gái họ Lã cho ông nhưng người này không được sủng ái. Lã thị bèn gièm pha vu cáo với Lã Thái hậu rằng Lưu Hữu bất bình việc bà ta phong vương cho họ Lã. Năm 181 TCN, Lã Thái hậu triệu Lưu Hữu vào chầu rồi giam lại, bỏ đói cho đến chết.
Người thứ ba, là Lương vương Lưu Khôi bị dời đi làm Triệu vương, trong lòng không vui, lại bị thái hậu cho con gái của Lã Sản làm hoàng hậu của Triệu vương. Các quan hầu cận đều là người họ Lã, luôn chuyên quyền và ngầm theo dõi ông, khiến ông cảm thấy tù túng. Ông lại có người thiếp yêu quý bị hoàng hậu sai người đầu độc chết khiến ông đau buồn mà tự sát. Thái hậu thấy vậy, bèn phế truất người thừa tự của vương.
Tề vương Lưu Phì – con cả của Lưu Bang với một người phụ nữ khác trước khi ông lấy Lã Hậu suýt bị đầu độc chết, nhưng may nhờ có Hiếu Huệ đế bảo vệ, lại biết dâng một thành tặng cho con gái Lã Hậu là Lỗ Nguyên công chúa mà thoát chết.
Diễn viên Tần Lam vào vai Lã Hậu |
Như vậy, Lã Hậu đã giết cả thảy ba người con của Lưu Bang (Như Ý, Hữu, Khôi), cả ba đều là Triệu vương.
Ngoài ra còn một người cháu. Hoàng hậu Trương Yên – con của Lỗ Nguyên công chúa, cháu ruột của Hán Huệ đế đồng thời cũng là vợ của ông do bị Lã Thái hậu ép lấy không có con. Phải giả vở có mang rồi lấy con một người thiếp làm con mình, lập làm thái tử, rồi giết người mẹ. Thái tử lớn lên biết chuyện, bèn nói:
“Hoàng thái hậu làm sao có thể giết mẹ ta mà gọi ta là con? Giờ ta còn bé, nếu ta trưởng thành thì sẽ thay đổi”
Kết cục, Thiếu đế lại bị Lã Thái hoàng thái hậu giam ở cung Vĩnh Hạng, nói là bị mắc bệnh nặng, nhưng thực chất cũng bị bà ta giết chết để lập người khác lên thay hòng dễ bề làm đảo lộn triều chính nhà Hán.
Tất cả mưu mô và việc làm tàn ác của Lã Hậu đều chỉ thu hẹp trong phạm vi giành giữ quyền bính và địa vị của mình, chủ yếu làm những việc như sát hại, trừ khử người trong cung đình, không liên quan đến số phận của dân chúng.
Sử ký nhận định: “Thời Lã Hậu cầm quyền tuy có làm đảo lộn cung đình nhà Hán, giết hại các hoàng tử nhà Hán nhưng không làm xáo trộn đời sống xã hội, ít dùng hình phạt với dân chúng, thiên hạ được bình yên, nhân dân lo cày cấy, ăn mặc no đủ.”