Tại lễ bàn giao công việc và nhậm chức ngày 14/4 vừa qua, tân Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu lên những vấn đề bất cập của ngành cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trong đó đặt ra mục tiêu cần phải rút ngắn khỏang cách du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực.
Hoàn toàn thực hiện được
Theo ông Phùng Quang Thắng – Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam: Đất nước ta có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng lớn, lớn hơn tất cả các nước trong khu vực, nước ta có những danh thắng nổi tiếng thậm chí lọt vào hàng Top thế giới như Vịnh Hạ Long, Hang Sơn Đoòng... Ngoài ra, chúng ta có bờ biển dài, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp trải dài từ bắc xuống nam và một nền văn hóa giàu bản sắc. Đấy là cơ sở để chúng ta thực hiện các mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành du lịch, bắt kịp đà phát triển của các nước trong khu vực.
Ông Phùng Quang Thắng – Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam.
Thống kê từ năm 2011 trở lại đây, du lịch Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế đạt 5,7%/năm; khách nội địa đạt 16,3%/năm; Tổng thu từ du lịch tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm; Số lao động tăng trưởng bình quân 13,4%. Tuy nhiên theo ông Thắng, “du lịch Việt Nam có tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng còn chậm so với các nước trong khu vực, nếu chúng ta vẫn duy trì mức tăng như hiện tại, càng ngày sẽ càng bị các nước trong khu vực bỏ xa”.
Vậy làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng? Ông Thắng cho hay: “Chúng ta đã có sẵn lợi thế về mặt tài nguyên và di sản, cái mấu chốt để phát triển đấy chính là con người, nguồn nhân lực làm làm du lịch. Sản phẩm du lịch là sự hài hòa giữa di sản tự nhiên và di sản con người, nó được gói ghém để biến nó thành sản phẩm dịch vụ chất lượng. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch cũng phải được chú trọng, quan trọng nhất phải có quy hoạch và bám theo quy hoạch đó để chuẩn hóa cơ sở vật chất phục vụ du lịch.
Mặt khác, để đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch chúng ta không thể bỏ qua vấn đề vận chuyển, đặc biệt là vấn đề hàng không. Đồng thời, cũng cần phải hoàn thiện nâng cấp các hệ thống vận chuyển đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, chúng ta cũng nên quan tâm đến vận chuyển đường biển trong du lịch, thực tế hiện tại nếu như vận chuyển đường hàng không một chuyến tối đa cũng được vài trăm khách nhưng một chuyến tàu biển chúng ta có thể vận chuyển số lượng khách lên đến hàng nghìn."
"Thứ nữa, chúng ta cần ta cần có chính sách thông thoáng để kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhằm khai thác hết tiềm năng của những địa điểm có tiềm năng du lịch. Cần phá bỏ những rào cản ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và thu hút du khách như, xây dựng cơ sở vật chất tốt, xây dựng chính sách thông thoáng hơn trong công tác miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng, bắt kịp xu thế của các nước trên thế giới”, ông Thắng phân tích thêm.
Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch đạt chuẩn quốc tế
Ngành du lịch Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập ASEAN thông qua Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA-TP), cho phép dịch chuyển lao động du lịch giữa các nước trong khu vực ASEAN.
Nếu lao động trong ngành du lịch Việt Nam không nhanh chóng chuẩn bị kiến thức và những kỹ năng cần thiết thì có thể sẽ thua ngay trên sân nhà. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đang là vấn đề cấp bách đặt ra cho các cơ sở đào tạo ngành du lịch.
Để đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch cần nâng cao chất lượng nhân lực làm du lịch cho đạt chuẩn quốc tế.
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, tính đến 2015 Việt Nam có 1.519 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, bên cạnh đó còn có hàng chục nghìn doanh nghiệp kinh doanh nội địa và các văn phòng du lịch đang hoạt động, có 17.153 hướng dẫn viên (HDV) du lịch được cấp thẻ hoạt động, chưa kể một số lượng lớn HDV du lịch tự do chưa được cấp thẻ, đội ngũ lễ tân tại các khách sạn, nhà hàng.... Điều đáng bàn là lượng nhân lực làm du lịch tương đối lớn này số lương đạt chuẩn là bao nhiêu thì hiện tại chưa có con số thống kê cụ thể.
Thạc sỹ Phạm Văn Đại – Trưởng khoa Du lịch ĐH Công nghiệp Hà Nội nhận định: “Phải công nhận một thực tế rằng, lực lượng làm du lịch Việt Nam hiện tại phần lớn là chưa đạt chuẩn, điều này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, một phần do các cơ sở đào tạo chưa có đủ điều kiện giảng dạy để tạo điều kiện tốt nhất cho người học. Thứ nữa, vẫn còn nhiều hạn chế về điều kiện thực hành dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp có thể giỏi về kiến thức nhưng lại hạn chế về kỹ năng thực tiễn, bên cạnh đó, kỹ năng ngoại ngữ chính là hạn chế lớn nhất của phần lớn những người làm du lịch Việt Nam”.
Vì thế, để nâng cao được chất lượng người học việc đầu tiên là phải nâng cao được chất lượng tại các cơ sở giảng dạy, đó là trình độ giảng viên đạt chuẩn, cở sở vật chất đảm bảo, đồng thời các cơ sở giảng dạy cần phải có sự liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành đạt chuẩn để tạo điều kiện cho người học có môi trường thực hành.
Ông Đại cũng phân tích thêm: Suy cho cùng, con người chính là yếu tố quan trọng nhất để có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển, bên cạnh đó là sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành có liên quan và cộng đồng người dân Việt Nam. Thực tế không phải chỉ ngành du lịch đón khách mà là tất cả mọi người dân Việt Nam đều đón khách. Vì thế, điều quan trọng nhất để khách du lịch quay lại với Việt Nam không phải là vấn đề giá cả mà đó chính là sự thiện chí, sự chuyên nghiệp của người làm du lịch.
Mời độc giả góp ý kiến hưởng ứng lời kêu gọi của tân Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, trong thời gian tới cần rút ngắn khoảng cách du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực. Mọi ý kiến đóng góp của độc giả xin gửi về toasoan@ngaynay.vn hoặc gửi trực tiếp vào phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. |
Văn Từ