Lúc 11h sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hạ giá bán USD 258 đồng so với hôm qua, sau khi đã giảm một đồng vào đầu ngày, xuống còn 23.650 đồng. Giá mua được giữ nguyên 23.175 đồng.
Động thái trên diễn ra sau khi Vụ chính sách Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp vào chiều 23/3 rằng cơ quan này sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức giá bán thấp hơn niêm yết để bình ổn thị trường ngoại tệ, sau một tuần tăng nóng.
Khảo sát của VnExpress lúc 13h chiều nay, giá mua bán USD tại các ngân hàng cũng hạ nhiệt 60-70 đồng. Cụ thể, Vietcombank yết giá bán USD là 23.690 đồng, giảm 70 đồng so với cuối ngày hôm qua. Giá mua vào được ngân hàng giảm mức tương tự về 23.500 đồng với tiền mặt và 23.530 đồng với hình thức chuyển khoản. Như vậy, so với cách đây 6 ngày, mỗi USD vẫn còn cao hơn 270 đồng.
Tương tự, mỗi USD được mua bán tại BIDV cũng giảm vài chục đồng cả hai chiều, xuống 23.540 - 23.700 đồng so với cuối ngày hôm qua...
Các điểm kinh doanh trên thị trường tự do tại Hà Nội và TP HCM hiện công bố giá dao động 23.770 - 23.900 đồng, giữ nguyên so với sáng hôm qua, nhưng hạ gần 100 đồng so với cuối ngày 23/3.
Tỷ giá trung tâm đang được Ngân hàng Nhà nước niêm yết 23.260 đồng, tăng một đồng so với hôm qua. Với biên độ +/- 3% theo quy định, giá sàn và trần mà các ngân hàng được phép giao dịch là 22.562 - 23.958 đồng.
Bình luận về động thái của nhà điều hành, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sự can thiệp này là giải pháp cần thiết trước mắt. Song theo ông, tỷ giá sẽ tiếp tục tăng ở một mức cho phép trong bối cảnh nhu cầu USD tăng lên và thị trường tự do không tuân theo tỷ giá chính thức mà phụ thuộc cung cầu.
Theo ông Hiếu, nhu cầu USD của nền kinh tế đang tăng cao khi doanh nghiệp cần USD để thanh toán cho nhập khẩu, trong khi các nhà đầu tư lại rút khỏi thị trường tài chính Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước hạ giá bán USD sẽ giúp bình ổn tỷ giá, song chưa rõ sẽ thoả mãn được nhu cầu thị trường trong bao lâu với mức dự trữ ngoại hối trên 80 tỷ USD vào cuối 2019.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, đã khẳng định, dù tỷ giá tăng mạnh, thanh khoản thị trường vẫn thông suốt.
Ông cũng cho biết, nguyên nhân chính khiến tỷ giá trong nước tăng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng đã mất giá.
Dù Ngân hàng trung ương các nước đã có các chính sách hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhưng cần có độ trễ trước khi tác động tới thị trường.
Vị lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cũng khẳng định, với tiền lực ngoại tệ có sẵn, Dự trữ ngoại hối rất cao, cơ quan quản lý có thể can thiệp thị trường bất cứ khi nào cần thiết, thậm chí giảm tỷ giá bán thấp hơn niêm yết để bình ổn thị trường ngoại tệ.