Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, giá thịt lợn theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nghĩa là chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý. Theo đó, giao nhiệm vụ cho các Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý Nhà nước về giá.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết đưa giá thịt lợn xuống trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.
Giữa tháng 3, tại một hội nghị liên quan đến ngành chăn nuôi lợn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hạ giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đồng/kg. Bởi, ông cho rằng, mức giá 75.000 đồng/kg như hiện tại thì lãi quá cao, dư địa giảm vẫn còn.
Song, bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, giá thịt lợn hơi xuất chuồng dịp này vẫn cố thủ ở mức cao.
Cụ thể, tại một số tỉnh ở miền Bắc như Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,... giá lợn hơi dao động quanh mốc 80.000-83.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá neo ở mức 85.000 đồng/kg.
Tương tự, tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, giá lợn hơi ổn định ở mức 78.000-82.000 đồng/kg, chỉ số ít địa phương giá thịt lợn có xu hướng giảm nhẹ.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chủ một trang trại có quy mô 1.500 con lợn thịt ở Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, rất khó để giảm giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống mức thấp hơn, bởi chi phí chăn nuôi hiện nay quá cao.
“Như giá lợn giống bây giờ đã là 3 triệu đồng/con lợn 7kg, chưa kể tiền cám, vắc xin, thuốc khử trùng chuồng trại phòng ngừa dịch bệnh, lúc xuất chuồng còn mất tiền kiểm dịch nữa. Nếu giảm giá xuống mức thấp như kỳ vọng của Bộ ngành thì người chăn nuôi không có lời”, ông nói.
Giá thịt lợn hơi xuất chuồng vẫn đang ở mức cao. |
Cũng theo chủ trang trại này, muốn giảm giá thịt lợn thì phải tổ chức tái đàn tốt. Song, thịt lợn thương phẩm giờ ế, khó bán, trong khi lợn giống cũng khó mua. Như nhà ông phải đặt trước 2-3 tháng mới có thể mua được lợn giống. Những hộ khác trong vùng thấy giá giống cao, giá thịt lợn hơi lại được yêu cầu đưa về mức hợp lý nên e ngại tái đàn.
Giá lợn hơi xuất chuồng không giảm nên giá thịt lợn tại các chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn neo ở mức giá cao. Đơn cử, tại các siêu thị, giá thịt lợn các loại có giá từ 140.000-250.000 đồng/kg tuỳ loại. Tại các khu chợ truyền thống, giá thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò, nạc thăn, sườn lợn,... dao động từ khoảng 140.000-180.000 đồng/kg.
Theo chị Lê Thị Thanh, một đầu mối bán thịt lợn tại chợ cóc ở khu vực Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), muốn giá thịt ở chợ giảm thì giá lợn hơi cũng phải giảm. Nay giá lợn hơi không giảm nên giá mặt hàng này ở chợ đắt đỏ là hoàn toàn dễ hiểu.
Như nhà chị tự giết mổ lợn, đem ra khu vực chợ cóc này bán mà giá thịt đã 130.000-160.000 đồng/kg. Với những tiểu thương không tự giết mổ được, phải nhập thịt từ các lò giết mổ, tức qua khá nhiều khâu trung gian, thì phải bán giá cao hơn vì qua mỗi khâu họ luôn tính giá bán để thu một khoản lãi nhất định.
“Thịt lợn giờ ế lắm, không bán chạy được như trước đâu nhưng vẫn không thể giảm giá. Trước họ mua khoảng 5 lạng, giờ cắt bớt khẩu phần xuống còn 3 lạng. Nhiều người còn chuyển qua ăn thịt gà, cá vì những mặt hàng này giá rẻ hơn thịt lợn”, chị Thanh lo ngại.
Hàng ngàn tấn thịt lợn Nga cập cảnh Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) - cho biết, sau buổi làm việc với Bộ NN-PTNT mới đây, Tập đoàn Miratorg của Nga đang làm thủ tục để xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 3.500-4.000 tấn thịt lợn. Trong số này, lượng hàng đã về tới cảng Sài Gòn khoảng 1.500 tấn.
Số thịt này được phân phối ra thị trường thông qua 15 doanh nghiệp nhập khẩu.
Đại diện Tập đoàn Miratorg kỳ vọng, trong năm 2020 sẽ xuất khẩu khoảng 50.000 tấn thịt lợn các loại sang thị trường Việt Nam và tăng dần vào các năm tiếp theo.
Theo số liệu từ Cục Thú y, tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Các hoạt động xúc tiến việc nhập khẩu mặt hàng này vẫn đang được đẩy mạnh, bởi đây là một trong những biện pháp nhằm giảm áp lực nguồn cung và hạ nhiệt giá thịt lợn trong nước.