Cụ thể, các cầu thủ trẻ Marcus Rashford (23 tuổi), Jadon Sancho (21 tuổi) và Bukayo Saka (19 tuổi), đã trở thành mục tiêu cho những kẻ quá khích sau khi sút hỏng các quả phạt đền tại chung kết Euro 2020.
Tờ Times đưa tin rằng chính phủ Anh sẽ yêu cầu các mạng xã hội ngay lập tức cung cấp thông tin chi tiết về những người đã đưa ra những bình luận mang tính chất phân biệt chủng tộc nhắm vào 3 cầu thủ.
Facebook và Twitter cho biết đang cố gắng gỡ bỏ những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc nhắm vào các thành viên của đội tuyển Anh.
"Trong 24 giờ qua, chúng tôi đã nhanh chóng xóa hơn 1.000 Tweet và tạm khóa vĩnh viễn một số tài khoản do vi phạm các quy tắc của chúng tôi", đại diện Twitter khẳng định.
Trước đó, Facebook tuyên bố rằng họ đã "nhanh chóng xóa các bình luận và tài khoản phân biệt các cầu thủ bóng đá Anh và chúng tôi sẽ tiếp tục hành động chống lại những người vi phạm quy tắci".
"Đội tuyển Anh này xứng đáng được ca ngợi như những người hùng, chứ không phải bị phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội", Thủ tướng Boris Johnson viết trên Twitter. "Những kẻ phân biệt này nên tự xấu hổ về bản thân mình".
Hoàng tử William - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh, cho biết ông phát ốm trước những hành vi của những kẻ quá khích.
"Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc các cầu thủ phải chịu đựng hành vi ghê tởm này", cháu trai của Nữ hoàng Elizabeth bày tỏ quan điểm.
Liên đoàn Bóng đá Anh cho biết những người hâm mộ thể hiện "hành vi kinh tởm" như vậy không được hoan nghênh còn Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã lên tiếng kêu gọi các hình phạt mạnh nhất có thể.
Một số quan chức chính phủ Anh bị cáo buộc đạo đức giả vì từ chối chỉ trích những kẻ phân biệt chủng tộc và coi đây là một phần của "cuộc chiến văn hóa", thường được miêu tả như một sự rạn nứt giữa những người muốn bảo vệ di sản truyền thống của nước Anh khỏi một thế hệ thanh niên "thức tỉnh", những người coi các bậc tiền bối như rào cản để chấm dứt tình trạng bất công về chủng tộc và xã hội.