Kiến trúc sư Mirak Mirza Ghiyas và con trai của ông đã thiết kế lên công trình vĩ đại này và phải mất hơn 8 năm mới có thể hoàn thành nó. Đây là lăng mộ trong vườn đầu tiên ở tiểu lục địa Ấn Độ nằm gần thành phố pháo đài Purana Qila và cũng là công trình đầu tiên sử dụng đá sa thạch đỏ có quy mô lớn.
Công trình có sự pha trộn các yếu tố Ba Tư và Mughal, lập nên một khuôn mẫu cho kiến trúc Mughal các đời tiếp theo mà đỉnh cao là Taj Mahal hoàn thành vào năm 1648. Khu vườn rộng lớn được chia thành 4 khu vực, phân tách bởi các hào nước bao quanh.
Lăng mộ cao 47 m, gồm 2 tầng, mái vòm trên cùng cao 8 m được lát bằng đá cẩm thạch trắng trong khi phần còn lại xây bằng đá sa thạch đỏ.
Lăng mộ được tính toán dựa theo những quy tắc nghiêm ngặt trong hình học Hồi giáo với sự nhấn mạnh vào con số 8.
Toàn bộ lăng mộ có 124 căn phòng lớn nhỏ dành cho vua cà các thành viên trong hoàng tộc với thiết kế đối xứng và ngoại thất đơn giản tương phản với nội thất phức tạp. Lăng mộ này mất 7 năm xây dựng và chính thức hoàn thành sau 16 năm kể từ ngày Humayun qua đời.
Lăng mộ Humayun ngoài lăng mộ chính của Hoàng đế, còn có nơi lưu giữ mộ của hoàng hậu Bega Begum, Hamida Begum, và cả Dara Shikoh, cháu của hoàng đế và là con trai của Shah Jahan cùng nhiều hoàng đế Mogul sau này như Jahandar Shah, Farrukhsiyar, Rafi Ul-Darjat, Rafi Ud-Daulat, Muhammad Kam Bakhsh và Alamgir.
Năm 1993, lăng mộ Humayun được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Lăng mộ cũng được phục hồi lại nguyên trạng thông qua sự tài trợ của quỹ Aga Khan Trust for Culture.