Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Emily Horne cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về một loạt chủ đề, bao gồm các cuộc đàm phán an ninh sắp tới giữa các nước và tình hình căng thẳng ở châu Âu.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng xác nhận rằng cuộc hội đàm sẽ diễn ra "vào tối muộn thứ Năm."
Bà Horne cho biết Tổng thống Biden đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo trên khắp châu Âu về tình hình ở biên giới Ukraine, trong khi các quan chức chính quyền Biden giữ liên lạc với NATO, Liên minh châu Âu và NATO.
Trước đó, quan hệ giữa phương Tây và Moscow ở trên bờ vực đổ vỡ khi Nga điều hàng chục nghìn quân đến gần biên giới Ukraine trong hai tháng qua.
Nga phủ nhận khả năng tấn công Ukraine và tuyên bố rằng nước có quyền điều động quân trên lãnh thổ tùy thích.
Nhằm ngăn chặn Ukraine ngả hẳn về phương Tây, chính phủ Nga đã muốn Mỹ và EU đưa ra các đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng liên minh quân sự NATO sẽ không mở rộng thêm về phía đông và một số vũ khí tấn công nhất định sẽ không được triển khai tới Ukraine hoặc các nước láng giềng khác.
Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden, những lo ngại của Mỹ đã không giảm bớt trong những tuần gần đây. Đã có báo cáo cuối tuần trước cho biết rằng Nga sẽ rút khoảng 10.000 quân khỏi biên giới với Ukraine, nhưng phía Washington chưa xác nhận được thông tin này.
Một trong những quan chức Mỹ cho biết: “Chúng ta đã ở vào thời điểm khủng hoảng suốt vài tuần qua, và sẽ cần có sự tham gia ở mức độ cao để giải quyết vấn đề này cũng như tìm ra con đường để giảm leo thang căng thẳng".
Trong cuộc hội đàm sắp tới, nhiều khả năng ông Biden sẽ tái nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như điều động lực lượng NATO nếu Nga đưa quân qua lãnh thổ Ukraine.
Được biết, loại máy bay do thám JSTARS của quân đội Mỹ đã hoạt động trên không phận Ukraine từ đầu tuần này.
Theo Nhà Trắng, chính quyền Biden đã tiến hành các cuộc đàm phán với Ukraine cũng như một loạt các đồng minh NATO, bao gồm cả các quốc gia giáp biên giới với Nga.
Nga và NATO cũng đang chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán vào ngày 12/1, với một cuộc họp rộng hơn bao gồm chính quyền Moscow, Washington và các nước châu Âu khác dự kiến vào ngày 13/1.
Tổng thống Putin đã so sánh những căng thẳng hiện tại với Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Cón phía Washington coi một số yêu cầu của ông Putin, bao gồm các hạn chế đối với việc mở rộng NATO, là không thể chấp nhận.