Quy chế phối hợp sẽ giúp TCQLTT có những thông tin kịp thời về tình hình thị trường xăng dầu trong nước. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Toàn cảnh lễ ký kết quy chế phối hợp giữa TCQLTT và Petrolimex. |
Theo đại diện Petrolimex, hiện Tập đoàn có khoảng 2.560 cửa hàng kinh doanh, cùng với gần 15.000 cửa hàng xăng dầu của toàn xã hội, trong đó có gần 4.000 cửa hàng nhượng quyền thương mại, do số lượng quá lớn, cán bộ công nhân viên của đơn vị không thể kiểm soát, kiểm tra toàn diện được, nhất là trong vấn đề nhượng quyền thương mại.
Do vậy, việc ký kết Quy chế phối hợp với lực lượng QLTT sẽ hỗ trợ Petrolimex trong công tác quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu, đặc biệt trong điều kiện các Cửa hàng xăng dầu Petrolimex lớn và phân bố rộng khắp toàn quốc.
Ngoài ra, Quy chế cũng giúp ích cho Petrolimex trong công tác quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu, đặc biệt trong điều kiện các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex lớn và phân bố rộng khắp toàn quốc.
Quy chế này quy định về quan hệ phối hợp giữa TCQLTT và Petrolimex trong thực hiện công tác quản lý thị trường xăng dầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TCQLTT, thực tế hoạt động của Petrolimex và theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Petrolimex phát biểu tại buổi lễ. |
Hai bên cũng thông nhất phối hợp thông qua hình thức gặp gỡ trực tiếp, qua các phương tiện thông tin liên lạc, gửi văn bản; Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, đột xuất về các vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp; Xây dựng, triển khai các kế hoạch cụ thể hằng năm; Báo cáo định kỳ; tổ chức sơ kết, tổng kết việc phối hợp công tác.
Cũng theo Quy chế mới này, TCQLTT sẽ có trách nhiệm thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đối với Petrolimex, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ Petrolimex trong công tác quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng TCQLTT, phát biểu tại buổi lễ. |
Nhấn mạnh về những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, các đối tượng thường lợi dụng thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu tăng để găm hàng, thu lợi bất chính; bán xăng dầu không rõ nguồn gốc; kinh doanh xăng dầu không có Giấy xác nhận đủ điều kiện...
"Do có nhiều ngành cùng tham gia quản lý mặt hàng xăng dầu, do vậy, Quy chế phối hợp giữa các bên nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý. Mặt khác, quy định rõ trách nhiệm của từng ngành để tránh việc kiểm tra, xử lý bị chồng chéo, đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc trong dư luận”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Ngoài ra Tổng cục sẽ tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Petrolimex thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; Xử lý kịp thời các thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cung cấp; Phối hợp thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đối với các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Về phía Petrolimex, tập đoàn này sẽ cung cấp thông tin về tình hình, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nước, thông tin về buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, xăng dầu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trong kinh doanh xăng dầu trên thị trường nội địa, cung cấp tình hình, tư liệu giúp cho việc xác minh các vụ việc.
Tập đoàn và các công ty xăng dầu hỗ trợ, cung cấp nhân lực và các trang thiết bị cần thiết theo đề nghị của TCQLTT để tổ chức các hoạt động kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.