Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban lệnh cấm WeChat, một ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc và cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, nếu ứng dụng này không được bán khỏi giới chủ Trung Quốc trong 45 ngày.
Tencent - công ty chủ quản của WeChat, đã thực sự ngấm đòn của chính phủ Mỹ, khi chứng kiến cổ phiếu của mình sụt giảm sau lệnh cấm.
Công ty Trung Quốc là một trong những doanh nghiệp có giá trị nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và công nghệ toàn cầu, bao gồm cả ở Mỹ.
Là công ty truyền thông giải trí lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, Tencent được cho là đầu tư không ít cho các công ty giải trí của Mỹ như Epic Games, Glu và Universal Music Group.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Tencent cũng đã đổ hàng tỷ đô la vào Snap và Tesla. Các khoản đầu tư nổi tiếng khác của Tencent bao gồm Reddit, Lyft và Zoox - công ty sản xuất xe tự hành mà Amazon gần đây đã công bố kế hoạch mua lại.
Giới công nghệ cho rằng Tencent là "SoftBank của Trung Quốc", ám chỉ đến tập đoàn nổi tiếng Nhật Bản nổi lên như một "ông vua" trong lĩnh vực công nghệ với một quỹ đầu tư khổng lồ.
Theo một cách tính, Tencent đã vượt qua SoftBank với tư cách là công ty có số lượng đầu tư vào các công ty tư nhân cao thứ hai với định giá trên 1 tỷ USD, sau Sequoia Capital.
Theo dữ liệu từ PitchBook, công ty nghiên cứu theo dõi thị trường vốn tư nhân và công cộng, Tencent đã thực hiện 53 khoản đầu tư trên toàn cầu chỉ trong năm 2020 so với 37 khoản đầu tư của SoftBank. Nhưng SoftBank đã hoạt động tích cực hơn ở thị trường Mỹ: chỉ 3 trong số các thương vụ của Tencent trong năm nay là ở Mỹ so với con số 16 thương vụ của SoftBank.
Giáo sư Arun Sundararajan từ trường Kinh doanh Stern Đại học New York nhận định Tencent "có lẽ là nhà đầu tư quyền lực nhất ở Trung Quốc hiện nay".
Ông Sundararajan cho biết bằng cách nhắm mục tiêu vào tài sản của Tencent, chính quyền Trump có thể gây ra "tác động nghiêm trọng đến tham vọng mở rộng toàn cầu của công ty này".
Ngoài ra, các động thái của chính quyền Trump có thể khiến Tencent và các đồng nghiệp của họ không muốn đầu tư và hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ.
"Mức độ không chắc chắn đối với các nhà đầu tư và các công ty đương nhiệm trên thị trường Mỹ đang ở mức cao nhất mọi thời đại", Harry Broadman, một nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của chính phủ Mỹ cho biết. "Với tốc độ tăng trưởng đã chậm lại vì đại dịch, đây khó có thể là lúc gây thêm bất ổn cho nền kinh tế."
Tencent, cùng với các nhà đầu tư Trung Quốc khác, đã bắt đầu rút lui khỏi thị trường Mỹ trong vài năm qua trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng. Tốc độ đầu tư của các công ty Trung Quốc vào thị trường Mỹ đã chậm lại trong năm 2018, khi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), tăng cường giám sát các giao dịch liên quan đến một số sản phẩm công nghệ nhất định, cũng như các nhà đầu tư Trung Quốc.
Việc đàn áp WeChat cũng có thể đặt ra câu hỏi về việc liệu chính quyền Trump có hướng sự quan tâm của mình đến các công ty có quan hệ với Tencent, cho dù là quan hệ đối tác hay đầu tư.
Trong cuộc họp báo cáo thu nhập hôm thứ Tư, giám đốc tài chính Shek Hon Lo của Tencent cho biết, "dựa trên kết quả ban đầu của chúng tôi và các thông tin báo chí sau đó, lệnh cấm tập trung vào WeChat chứ không phải các công ty khác của chúng tôi ở Mỹ".
Cho dù chính quyền Trump vẫn tập trung vào WeChat hay thăm dò Tencent rộng hơn, các động thái của nó về cơ bản có thể thay đổi thị trường công nghệ.
Giáo sư Peter Petri từ Trường Kinh doanh Quốc tế của Đại học Brandeis nhận định: “Bằng cách tấn công các công ty Trung Quốc đang cố gắng thâm nhập thị trường quốc tế, chính phủ Mỹ đang cho thấy thị trường internet không mang tính quốc tế. Nó có thể là sự khởi đầu của bức tường lửa công nghệ của nước Mỹ".