Lịch sử là môn 'tự chọn' và phép thử khôn lường của ngành giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chưa đầy nửa năm nữa, Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai từ lớp 10-12. Bên cạnh việc phân ban và lựa chọn các môn học, có rất nhiều ý kiến cho rằng việc đưa Lịch sử vào danh sách tự chọn sẽ tạo ra những "khoảng trắng" cho thế hệ trẻ khi nhận thức về lịch sử dân tộc, mang đến nhiều hệ lụy cho xã hội trong tương lai. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ chính hóa phụ

Gần đây, dư luận nổi lên nhiều ý kiến tranh luận khi từ năm học 2022 – 2023, học sinh cấp THPT sẽ học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trong đó, ngoài 5 môn học bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, học sinh sẽ phải lựa chọn thêm 5 trong số 9 môn tự chọn, được lấy ra từ ba nhóm, bao gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục Kinh tế - Pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học và Sinh vật); nhóm môn đặc thù (Tin học, công nghệ và nghệ thuật).

Trong ba nhóm môn tự chọn, học sinh phải chọn 5 môn và mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn. Như vậy, những học sinh không chọn môn Lịch sử sẽ không học môn này trong suốt ba năm THPT.

Việc được tự chọn môn theo chương trình mới được lý giải giúp học sinh dễ dàng định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Song theo ý kiến của nhiều chuyên gia, phụ huynh và học sinh, việc đưa Lịch sử thành môn tự chọn sẽ khiến thế hệ tương lai càng xa rời lịch sử nước nhà, bỏ lỡ cơ hội tiếp thu nhiều giá trị nhân văn từ môn học này.

Để trả lời cho những tranh cãi xoay quanh thông tin lịch sử trở thành môn học tự chọn, trong ngày 23/4, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã lên tiếng về vấn đề này. Theo đó Bộ cho biết đã thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bảo đảm cho học sinh có trình độ hết lớp 9 có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau khi học hết cấp 2, ở cấp 3 phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Trước khi ban hành, dự thảo chương trình các môn học đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến. Bộ khẳng định sự sắp xếp môn Lịch sử trong chương trình mới là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.

Tuy nhiên sau văn bản nêu trên, vẫn có nhiều phản hồi trên fanpage của Bộ GD&ĐT cho rằng lứa tuổi THPT là thời điểm học sinh bắt đầu có sự thấu đáo trong tư tưởng để tiếp thu các bài học về lịch sử. Vì vậy việc giáo dục lịch sử, đặc biệt lịch sử Việt Nam ở cấp THPT cần là bắt buộc.

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên dư luận bức xúc trước những quyết định liên quan đến giảng dạy, chuyển đổi môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT. Trước đó vào năm 2015, việc xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông mới với kế hoạch môn Lịch sử không còn được dạy riêng như trước đó mà được tích hợp vào môn Giáo dục công dân, gọi chung là môn Công dân với Tổ quốc cũng khiến Bộ GD&ĐT nhận nhiều chỉ trích từ công luận.

Điều này cho thấy dù chất lượng dạy và học Lịch sử tại Việt Nam còn nhiều bất cập, nhưng sự quan tâm của các tầng lớp xã hội phản ánh tầm quan trọng của môn học này trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Theo số liệu từ bộ GD&ĐT, trong 3 năm (từ 2019-2021), điểm trung bình của môn Lịch sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia luôn nằm ở vị trí cuối bảng.

Năm 2019, Lịch sử là môn có điểm thi thấp nhất, điểm trung bình là 4,30, có 70% số bài thi môn Lịch sử dưới điểm trung bình. Năm 2020, điểm thi môn Lịch sử chỉ thấp sau môn tiếng Anh; với điểm trung bình là 5,19 điểm; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỉ lệ 46,95%. Năm 2021, Lịch sử lại trở về vị trí đội sổ với 4,97 điểm và cũng là môn thi duy nhất trong số 9 môn thi tốt nghiệp có điểm trung bình dưới 5.

Vị thế của Lịch sử

Bàn về vị thế của môn Lịch sử đối với học sinh cấp THPT, GS.TS Đỗ Thanh Bình - Tổng chủ biên sách Lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12 (chương trình Cánh diều) cho biết sau khi nhận được thông tin về Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ông càng cảm thấy lo lắng và trăn trở hơn. Bởi chương trình mới đang không được thiết kế theo hướng đồng tâm, có nghĩa với việc những học sinh không lựa chọn môn Lịch sử sẽ bị thiếu hụt rất nhiều mảng kiến thức quan trọng về lịch sử trong nước và thế giới.

Theo GS.TS Đỗ Thanh Bình, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc là một chủ đề lớn mà học sinh cấp Tiểu học và THCS không được học. Nếu không đăng ký môn Lịch sử ở cấp THPT, học sinh sẽ mất hẳn một lượng kiến thức rất lớn về mảng đề tài đấu tranh và bảo vệ tổ quốc.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên KHXH&NV, việc để môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn là không phù hợp. Bởi dù chọn hay không chọn Lịch sử ở cấp THPT, khi lên đại học, học sinh vẫn phải học các môn như Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử văn minh thế giới. Những thiếu hụt kiến thức ở cấp học dưới sẽ khiến các em không có nền tảng để tiếp thu kiến thức ở tầm cấp cao hơn.

Lịch sử là môn 'tự chọn' và phép thử khôn lường của ngành giáo dục ảnh 1

Những thiệt thòi nếu học sinh thiếu hụt kiến thức Lịch sử là trách nhiệm của ai? Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh ý kiến của các nhà chuyên môn, phần đông dư luận phản đối việc đưa môn Lịch sử vào nhóm tự chọn bởi cho rằng Lịch sử cần thiết và đóng góp vai trò chủ đạo trong việc hình thành thế giới quan, giáo dục nhân sinh quan, ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn cao đẹp.

Một mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng bên cạnh những tranh luận về việc đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc, cần sửa đổi phương pháp dạy và học của đội ngũ giáo viên học sinh hiện tại, để việc học Lịch sử không bó hẹp là học mốc thời gian và ý nghĩa sự kiện nói chung mà còn phải có cái nhìn và tư duy khoa học về lịch sử.

Theo đó, trong một bài viết về giáo dục lịch sử,nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương - tác giả và dịch giả của hơn 70 đầu sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa - cho rằng ý nghĩa của việc học lịch sử còn đến từ những mục tiêu rất khoa học và thực tế.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, trong bối cảnh toàn cầu hóa, thông tin hóa, xu thế phổ cập những giá trị phổ quát hiện nay, giáo dục lịch sử Việt Nam cần hướng đến mục tiêu hình thành những công dân có tư duy độc lập và tinh thần tự do. Để trở thành người như vậy, học sinh nhất thiết cần hai trụ cột là nhận thức lịch sử theo hướng khoa học và phẩm chất công dân.

Cùng chung quan điểm nêu trên, TS Vũ Đường Luân, giảng viên môn Lịch sử Việt Nam tại Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN chia sẻ việc để người học lựa chọn và thực sự thích môn Lịch sử không nhất thiết nằm ở việc biến nó thành môn bắt buộc mà cần tạo ra những cơ chế, cách thức truyền đạt để môn học trở nên sinh động và có sức hút.

“Lịch sử không chỉ giáo dục về các giá trị truyền thống mà còn là một môn khoa học lý giải về xã hội, con người. Chính trong sự lý giải đó, lòng yêu nước được kiến tạo, vun bồi cho người học qua cách hiểu từ vị trí bản thân về nền văn hóa mình đang sống cùng cách ứng xử khoa học khi nhìn nhận các sự kiện, chứ không nhất thiết cần áp đặt giáo dục”, TS Vũ Đường Luân nói.

Những bài học trên thế giới

Từ điểm nhìn lựa chọn học hay không học tại Việt Nam hiện nay, nhìn rộng ra thế giới sẽ thấy vị trí của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông của từng quốc gia rất đa dạng, phong phú, tùy thuộc vào tình hình xã hội, văn hóa và chính trị của quốc gia đó.

Ở Anh, trong 9 năm đầu của chương trình phổ thông, học sinh buộc phải học các môn chính là Toán, Anh, Khoa học, Ngoại ngữ và Giáo dục công dân, và tùy theo chương trình học của mỗi trường có thể chọn học thêm các môn khác như: Mỹ thuật, Khoa học máy tính, Thể thao, Nhạc kịch,... Lịch sử và Địa lý thuộc các môn trong chương trình tự chọn, nếu học sinh đã đăng ký Địa lý thì không bắt buộc phải học thêm Lịch sử.

Điều này dẫn đến năm 2017, một khảo sát của Forces Network cho biết hơn một nửa thanh niên từ 18-24 tuổi ở Anh không biết rằng lực lượng quân sự nước mình đã tham gia Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Nền giáo dục tại Mỹ và Pháp tuy không bắt buộc học sinh phải học Lịch sử nhưng trong chương trình đều xuất hiện những môn học tích hợp lịch sử. Tại Mỹ, trọng tâm chương trình của hai cấp THCS và THPT là Anh văn, Toán, Khoa học, Văn hóa xã hội, Mỹ thuật và Thể dục. Với Pháp, ngoài Pháp văn, Ngoại ngữ, Toán, học sinh được học thêm Khoa học và Nhân văn, Công nghệ và Công dân.

Lịch sử là môn 'tự chọn' và phép thử khôn lường của ngành giáo dục ảnh 2

Vị trí của môn Lịch sử trong chương trình phổ thông trung học trên thế giới cũng rất đa dạng. Ảnh: Pomona College.

Một số quốc gia như Thụy Điển, Ý, Đức... môn Lịch sử được tách riêng và học sinh phải học Lịch sử từ những năm đầu cấp THCS.

Tại Trung Quốc, đồng thời với việc giảng Lịch sử bắt buộc tại cấp THPT, hai năm trước đây Bộ Giáo dục quốc gia này đã đề xuất học sinh THCS buộc phải học Lịch sử như một môn học bắt buộc. Đề xuất này đi lên từ ý kiến cho rằng một số học sinh Trung Quốc đi theo tư tưởng cấp tiến do thiếu ý thức bản sắc văn hóa. Củng cố kiến thức lịch sử giúp cho giới trẻ giúp được những sai lầm của thế hệ trước, hiểu rõ tình hình phát triển của đất nước.

Với tương đồng về lịch sử phát triển cũng như cấu trúc xã hội với Việt Nam, những phép thử về giảng dạy lịch sử tại Hàn Quốc cũng rất cần được lưu ý. Theo đó, từ năm 2005, chính phủ Hàn Quốc đã cho phép các môn Khoa học xã hội trong khối phổ thông trở thành môn tự chọn, dẫn đến tỷ lệ đăng ký học Lịch sử giảm dần theo thời gian. Hệ lụy kéo theo chính sách là một thế hệ trẻ không hiểu biết về lịch sử, thậm chí, không biết về tướng quân Yi Sun-sin - vị anh hùng nổi danh của dân tộc.

Tới năm 2013, số liệu thống kê của Bộ Công an và An ninh Hàn Quốc cho thấy có tới 52% học sinh Hàn Quốc không biết ngày nổ ra và kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Con số này đã gây phẫn nộ trong xã hội nước này, cho thấy hệ quả của việc biến Lịch sử thành môn tự chọn. Kể từ năm 2017, môn Lịch sử chính thức quay trở lại làm môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông Hàn Quốc.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.