Liên tiếp các vụ tự tử, phải làm gì để cùng con vượt qua 'vùng xám'?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Bách, so với trước đây, trẻ em ngày nay chịu áp lực rất lớn về học hành, về việc phải “bằng bạn bằng bè," thậm chí không được thua kém bạn bất cứ thứ gì.
Liên tiếp các vụ tự tử, phải làm gì để cùng con vượt qua 'vùng xám'? ảnh 1

Ảnh minh họa.

Gặp H - một học sinh lớp 12 tại Hà Nội, nghe cách cậu trò chuyện, khó có thể ngờ, cậu đã từng trải qua khoảng thời gian “chấp chới” trong tuyệt vọng, giống như “người đuối nước”, không tìm ra cách để tự “cứu vớt” bản thân mình.

H tâm sự: “Khi con còn bé, con đã được bố dạy bơi. Bài học cuối cùng khi kết thúc khóa học của bố dạy đó là không bao giờ được cứu người chết đuối bằng cách bơi vào họ vì họ đang hoảng loạn, rất có khả năng họ sẽ ôm lấy mình, kéo mình xuống và điều tồi tệ sẽ xảy ra. Con chưa bao giờ bị đuối nước nhưng con lại trải qua khoảng thời gian trầm cảm – trạng thái tâm lý mà không ai muốn gặp phải. Khi mắc căn bệnh này, con giống như người bị đuối nước, không thể nghĩ thông suốt. Con không nhìn thấy sự tươi đẹp của cuộc sống và đã vô tình kéo những người xung quanh bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ của mình, chuyển sự tiêu cực của mình sang người khác qua lời nói, hành động, thậm chí sự hiện diện của con làm người ta “trùng xuống”. Con đã từng cách ly bản thân mình với xã hội, không dám đối diện với bố mẹ, bạn bè, thầy cô, xung quanh chỉ thấy toàn bóng tối”.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách – bác sĩ tâm lý trị liệu – lâm sàng (Trung tâm tâm lý trị liệu Dr Bee) chính là người đã đồng hành cùng H, giúp cậu vượt qua trầm cảm, vượt qua sự sợ hãi, bế tắc và những khoảnh khắc tự hủy hoại bản thân mình.

Giờ đây, H đã vui vẻ quay trở lại cuộc sống đời thường, tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt, H ấp ủ dự định sẽ cùng bác sĩ Nguyễn Hồng Bách tạo ra một cộng đồng mang tên “Blue”. Theo H, blue là màu xanh nước biển – màu của nỗi buồn và cũng là màu của hi vọng. Cộng đồng “Blue” là nơi các bạn trẻ cảm thấy được giúp đỡ, được giải đáp thắc mắc về căn bệnh này, nói về những nỗi buồn của mình, những điều đã trải qua.

H cũng chia sẻ: Bố mẹ luôn là người lo lắng cho mình, thương mình, muốn hiểu mình nhưng lại không thể hiểu được. Nguyên nhân một phần do sự hiểu biết, kiến thức của mọi người về căn bệnh trầm cảm còn quá ít. Vì vậy, H mong muốn cộng đồng do mình tạo ra sẽ có thể mang lại kiến thức, thông tin hữu hiệu, giúp những người mắc căn bệnh này và người thân của họ cùng nhau vượt qua.

Thời gian gần đây, thông tin về những đứa trẻ vì một nguyên nhân nào đó mà quyết định tự kết thúc cuộc sống của mình đã dấy lên sự lo lắng, bất an trong xã hội. Một số ý kiến cho rằng, do trẻ gặp quá nhiều áp lực gây nên những xáo trộn trong não bộ, trạng thái tâm lý bấp bênh. Từ đó, trẻ có những suy nghĩ tiêu cực, tự hành hạ bản thân, thậm chí tự tử…

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, đúng là so với trước đây, trẻ em ngày nay chịu áp lực rất lớn về học hành, về việc phải “bằng bạn bằng bè”, thậm chí có những đứa trẻ có suy nghĩ không thể thua kém bạn bất cứ thứ gì. Thêm vào đó, những kỳ vọng của bố mẹ đã tạo nên áp lực vô hình đối với con trẻ. Bố mẹ thường có sự so sánh “con nhà người ta”. Hoặc đơn cử như một buổi họp phụ huynh, khi giáo viên gửi bảng kết quả học tập, phụ huynh bắt đầu so sánh… Thậm chí, có những bố mẹ không tạo áp lực bằng lời nói, nhưng khi thấy con có kết quả kém, chỉ bằng một tiếng thở dài… thì với con trẻ vốn nhạy cảm (đặc biệt là lứa tuổi từ 12-16 tuổi) đã tạo ra góc nghĩ khác.

Có những em cảm thấy xấu hổ khi không đạt được sự kỳ vọng của bố mẹ, đến lớp thì không được bằng bạn bè hay áp lực từ thầy cô giáo. Sức chịu đựng của mỗi đứa trẻ có giới hạn, từ đó, sẽ đẩy con người vào trạng thái não bộ bị kích tố lên một cách kinh khủng nhất, tư tưởng có sự đấu tranh để vượt qua áp lực. Nếu sức chống chịu yếu sẽ tìm đến những điều tiêu cực.

Bác sĩ Bách cũng chia sẻ: Bố mẹ Việt Nam chiều con nhưng chưa biết nuôi dưỡng tinh thần của con, từ hành vi rất nhỏ, từ sự quan sát của người cha, người mẹ dành cho con hay từ cách cha mẹ đặt địa vị của con vào mình khi mình ở lứa tuổi của con. Ngược lại, bố mẹ luôn lấy tư cách làm cha mẹ để áp đặt cho con cái. Có trường hợp tìm đến tôi khi đang học đại học năm thứ hai, tự nhiên bạn ấy chán nản, không tìm thấy mục đích sống, chui vào trong phòng, ở một mình, nói một mình và chơi game. Sau khi được bác sĩ “khai não”, thì bạn ấy nói rằng: “Con có được quyền sống theo cách của con, tư duy theo cách của con đâu. Bố mẹ nghĩ hộ con hết rồi”.

Cha mẹ nhiều khi không biết con nghĩ gì, mong muốn điều gì. Những con đường mà cha mẹ đã từng đi qua và cảm thấy hanh thông thì sẽ luôn hướng con cái theo con đường ấy. Chính từ những điều đó, trẻ có cảm giác bị tước bỏ quyền làm người vì không được tư duy theo cách của mình, không được quyền sống theo cách của mình. Mỗi đứa trẻ là một thực thể sống, có não bộ riêng, cơ thể riêng. Tại sao cha mẹ lại cướp đi quyền suy nghĩ của con? Cách nghĩ của cha mẹ tạo ra áp lực cho con cái.

Nhìn theo một khía cạnh khác, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho rằng: Ngày nay, các con được sinh ra trong sự bao bọc quá lớn của cha mẹ nên sức chịu đựng kém, cả về thể chất và tinh thần. Cha mẹ cần rèn cho con tính kỷ luật, sức chịu đựng và sống trong một chút thiếu thốn để từ đó, các con tự nhìn nhận bản thân, định vị bản thân và đưa mình vào các hành lang kỷ luật.

Liên tiếp các vụ tự tử, phải làm gì để cùng con vượt qua 'vùng xám'? ảnh 2

Ảnh minh họa.

Dành lời khuyên cho cha mẹ, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, ý tưởng tự tử ở trẻ đôi khi chỉ là nhất thời, trong một khoảnh khắc nào đó. Nếu cha mẹ hiểu thấu được vấn đề, nhìn ra được những góc độ khác nhau của con thì sẽ ngăn cản được rất nhiều các vụ việc tiêu cực. Bản thân cha mẹ cần đồng hành cùng các con, luôn đặt mình vào vị trí của con, quan sát một cách tế nhị, từ hành vi, lời nói. Bên cạnh đó, thấu hiểu con em mình bằng những thế mạnh của bản thân chúng, con mạnh ở đâu thì hỗ trợ ở đó.

Nói rộng hơn về phía nhà trường, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách nhận định: Ở các nước phát triển, tư vấn tâm lý học đường rất được chú trọng, nhờ đó, tỉ lệ học sinh tìm đến các hành vi tiêu cực giảm đi rất nhiều. Ví dụ như một đất nước có áp lực cao như Nhật Bản, tỉ lệ tự tử khoảng 16% trong lứa tuổi vị thành niên đến thành niên. Tuy nhiên, nếu hệ thống tư vấn tâm lý học đường của Nhật Bản không phát triển như vậy thì tỉ lệ này sẽ không dừng lại ở đó mà còn cao hơn rất nhiều.

Tại Việt Nam, ngành giáo dục phải đẩy mạnh hơn nữa hỗ trợ tâm lý học đường, tìm các chuyên gia chuẩn mực phụ trách giải quyết các vấn đề tâm lý cho học sinh trong các nhà trường. Mỗi nhà trường cần có một phòng hỗ trợ tâm lý để sàng lọc ban đầu, từ đó, có thể giúp đỡ được học sinh trước khi quá muộn.

Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.