Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã thu được những hình ảnh vệ tinh từ tháng 4 cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc trong 6 tháng qua đã rục rịch đóng một chiến hạm lớn tại xưởng Jiangnan ngoại ô Thượng Hải.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Trung Quốc chưa chính thức xác nhận đóng tàu sân bay thứ ba, trong khi đó thời điểm và quy mô về chương trình hàng không mẫu hạm vẫn được coi là bí mật nhà nước.
Các chuyên gia quân sự và nhà phân tích an ninh đều cho rằng tàu sân bay thứ ba này sẽ là hàng không mẫu hạm lớn nhất của Trung Quốc và có khả năng đóng vai trò chủ lực trong nhóm tác chiến tàu sân bay.
Trong các hình ảnh vệ tinh của CSIS xuất hiện mũi tàu, phần thân rộng 41 m với chiếc cần cẩu ở phía trên.
Các nhà phân tích đánh giá đây là tàu sân bay Trung Quốc mang tên lớp 002, nhỏ hơn hàng không mẫu hạm 100.000 tấn của Mỹ nhưng lớn hơn chiếc Charles de Gaulle 42.500 tấn thuộc Hải quân Pháp.
Bên cạnh đó, vùng đậu tàu có thể ngập nước cũng được thi công, nhiều khả năng được sử dụng để hạ thủy phần thân tàu khi hoàn thành ở cửa sông Trường Giang gần đó.
CSIS vào ngày 7/5 nhận định: “Những chi tiết liên quan đến tàu sân bay lớp 002 khá hạn chế, nhưng hình ảnh về xưởng đóng tàu Jiangnan trùng khớp với dự đoán về hàng không mẫu hạm thứ ba của Quân đội nhân dân Trung Quốc”.
Bản báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc công bố ngày 3/5 nhấn mạnh rằng tàu sân bay thứ ba của quốc gia này sẽ lớn hơn hai chiếc đầu tiên và trang bị hệ thống phóng chiến đấu cơ để tăng năng lực xuất kích. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết chưa rõ hệ thống phóng máy bay nào được sử dụng trên tàu sân bay thứ ba này.
Lầu Năm Góc nhận định: “Thiết kế này sẽ hỗ trợ chiến đấu cơ bổ sung, máy bay cảnh báo sớm và các chiến dịch cấp bách”.
Bên cạnh đó, chưa thể kết luận được tàu sân bay lớp 002 có chạy bằng năng lượng hạt nhân hay không. Trung Quốc sở hữu 10 tàu ngầm năng lượng hạt nhân nhưng một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh chưa sẵn sàng cho hàng không mẫu hạm trang bị động cơ hạt nhân.
Nhà phân tích Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore đánh giá, khi được hoàn thiện, tàu sân bay thứ ba này của Trung Quốc có thể “qua mặt” chiến hạm của Ấn Độ và Nhật Bản.
Trung Quốc sở hữu 2 tàu sân bay khá nhỏ chỉ chứa được 25 chiến đấu cơ, bằng một nửa so với số lượng chiến đấu cơ trên hàng không mẫu hạm Mỹ. Cấu trúc của hai tàu sân bay này không chỉ hạn chế loại chiến đấu cơ có thể cất cánh trên khoang của chúng mà còn liên quan đến số lượng vũ khí và nhiên liệu có thể chở theo.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên Liêu Ninh vốn là hàng không mẫu hạm Varyag lớp Đô Đốc Kuznetsov chưa kịp hoàn thiện. Trung Quốc mua lại tàu Varyag từ Ukraine trong năm 1998 và chỉnh sửa, trang bị lại thành tàu sân bay Liêu Ninh.
Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân lớp 001A vào ngày 26/4/2018 tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng hoàn toàn đồng thời là hàng không mẫu hạm thứ hai của nước này. Tàu sân bay lớp 001A dự kiến sẽ phiên chế vào hải quân từ năm 2020.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã dẫn lời các chuyên gia đánh giá rằng nước này cần hạm đội trên 6 tàu sân bay.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa phản hồi về câu hỏi của Reuters về diễn biến đóng tàu sân bay thứ ba nói trên.