Gấu trúc đỏ là thành viên còn sống duy nhất của chi Ailurus và họ Ailuridae. Loài có kích thước trung bình này từng xuất hiện rộng rãi trên khắp Âu-Á nhưng giờ đây chúng chỉ còn sinh sống trong các khu rừng ôn đới ở phía đông Himalaya.
Với số lượng chưa đến 10.000 cá thể còn lại trong tự nhiên, gấu trúc đỏ được liệt kê là “Nguy cấp” trong Danh sách Đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế.
"Mặc dù gấu trúc đỏ có thể thích nghi với các tác động của môi trường sống ở một mức độ nào đó, nhưng chúng có thể dễ bị tuyệt chủng cục bộ trong điều kiện môi trường sống bị chia cắt".
Damber Bista
Là loài động vật có vú sống đơn độc, gấu trúc đỏ rất khó nghiên cứu trong môi trường hoang dã. Mất môi trường sống và bị chia cắt rải rác là mối đe dọa lớn đối với việc bảo tồn gấu trúc đỏ. “Vì điều này, gấu trúc đỏ đang thay đổi hoạt động của chúng để giảm thiểu tương tác với các loài gây rối, chẳng hạn như con người, chó săn hoặc gia súc. Điều này đang can thiệp mạnh mẽ vào các tương tác tự nhiên giữa các loài động vật, dẫn đến sự cô lập quần thể” - Damber Bista - nhà nghiên cứu tại Trường Nông nghiệp và Khoa học Thực phẩm tại Đại học Queensland cho biết.
Bista và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu của họ ở phía đông Nepal. Xung quanh khu vực nghiên cứu có hơn 15 địa điểm sinh sống của con người với dân số gần 700 người. Các nhà nghiên cứu đã bắt và trang bị cho 10 con gấu trúc đỏ gồm 6 con cái và 4 con đực vòng cổ GPS.
“Với những phát hiện từ nghiên cứu này cho thấy môi trường sống của chúng bị chia cắt, cùng với một nghiên cứu trước đây về tác động của nạn săn trộm, tôi lo ngại về tương lai của loài này. Mặc dù gấu trúc đỏ có thể thích nghi với các tác động của môi trường sống ở một mức độ nào đó, nhưng chúng có thể dễ bị tuyệt chủng cục bộ trong những điều kiện này, khiến toàn bộ quần thể loài gặp rủi ro”, Bista cho biết.
Số lượng rừng hoang dã ngày càng thu hẹp buộc gấu trúc đỏ rơi vào tình huống phải quyết định xem nên sống gần hơn với những kẻ săn mồi hay thích nghi để cùng tồn tại với con người.
Bista cho biết: “Lợi ích tốt nhất của động vật là tránh những kẻ săn mồi, nhưng khi chúng ta tiếp tục xây dựng thêm đường xá và cơ sở hạ tầng, điều đó làm giảm đáng kể khả năng thực hiện việc này của gấu trúc đỏ. Khi diện tích các khu rừng bị thu hẹp, gấu trúc đỏ phải cân nhắc các lựa chọn về cách để tồn tại tốt nhất. Sự đánh đổi này có thể dẫn đến tăng nguy cơ tử vong và suy giảm số lượng về lâu dài.
“Khuyến nghị của chúng tôi là các hoạt động của con người phải được quản lý chặt chẽ trong hầu hết các thời điểm quan trọng về mặt sinh học như mùa giao phối, phân tán và sinh sản. Đối với các chương trình bảo tồn, chúng tôi khuyến nghị họ tập trung vào việc xác định các khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái, duy trì tính liên tục của môi trường sống và giảm thiểu các dự án làm xáo trộn môi trường sống, chẳng hạn như xây dựng đường xá và chăn nuôi gia súc. Nếu không thể tránh được việc xây dựng đường, chúng tôi cho rằng nên tránh các khu vực chính và hạn chế về giới hạn tốc độ cũng như tiếng ồn để gia tăng các cuộc giao cắt với động vật hoang dã ở các khu vực có nguy cơ cao” – Bista nói.