Loạn kính thuốc - Bài 3: Bệnh viện Mắt TPHCM, Medic Hoà Hảo bán kính thuốc ‘đểu’?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Quá trình tìm hiểu, phóng viên Ngày Nay đã phát hiện ra cả trung tâm y khoa uy tín như Medic Hoà Hảo, bệnh viện Mắt TPHCM cũng bán tròng kính không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Loạn kính thuốc - Bài 3: Bệnh viện Mắt TPHCM, Medic Hoà Hảo bán kính thuốc ‘đểu’?

Kính thuốc nhập nhèm tem mác

Trở lại câu chuyện đo, khám và cắt kính ở Trung Tâm Medic Hoà Hảo, một y sĩ khuyên phóng viên cần phải cắt mắt kính ngay kẻo tăng độ và nguy hiểm khi tham gia giao thông vào ban đêm và đưa ra 3 “sự lựa chọn”: 1 là kính Hàn Quốc có giá 300 nghìn đồng, kính Nhật (độ tinh khiết là 1.60) không có phản quang là 650 nghìn đồng. Cuối cùng là kính đơn tròng của Mỹ có độ tinh khiết là 1.67, giá 1.300.000 đồng.

Sau màn đắn đo, phóng viên chọn cặp mắt kính Hàn Quốc giá 300.000 đồng. Nhưng, vừa nói ra lựa chọn của mình thì bất ngờ vị y sĩ này gạt phắt đi.

“Cái hàng đó, anh đeo không được đâu. Anh nên dùng hàng Nhật, vừa chuẩn về độ cong, đảm bảo thẩm mỹ, vừa có chất lượng tối thiểu. Còn khá giả hơn thì anh làm luôn tròng kính Mỹ!"

Loạn kính thuốc - Bài 3: Bệnh viện Mắt TPHCM, Medic Hoà Hảo bán kính thuốc ‘đểu’? ảnh 1

Gọng kính và tròng kính tại quầy trưng bày BV Mắt TPHCM.

Vừa nói, y sĩ này vừa dẫn tôi tới tủ trưng bày, lần lượt lấy ra từng tròng kính có dán tem nhãn giới thiệu lần lượt, đây của Hàn, kia của Nhật và cái này là của Mỹ. Còn gọng thì cũng “thượng vàng hạ cám” từ vài trăm đến cả triệu đồng/ gọng, đon đả chào mời.

Có chuẩn bị trước, phóng viên đã lấy ra một gọng Titan mang theo với lấy lý do: “gọng này hợp với khuôn mặt của tôi” để từ chối mua gọng, chỉ mua tròng kính. Vị y sĩ nhanh chóng nhận lấy: “anh chờ 5 phút, em cắt tròng Nhật 1.60 cho anh. Vừa thẩm mỹ, vừa phù hợp giá tiền”. Không chờ phản ứng, y sĩ đi thảng vào buồng cắt, mài kính.

Tranh thủ quan sát catalogue giới thiệu sản phẩm đặt trên tủ trưng bày sản phẩm mới biết: mắt kính mà vị y sĩđang làm cho tôi là kính đơn tròng. Tức là, chỉ có tác dụng nhìn rõ vật để xa. Nếu trong tầm mắt đọc sách bình thường thì chỉ thêm nhức, mỏi mắt, thậm chí là không rõ bằng lúc không mang kính.

Khi phóng viên phàn nàn tại sao không được giải thích, tư vấn cặn kẽ thì được giải thích rằng, với độ tuổi của tôi, chỉ cần mang kính đơn tròng. 6 tháng nên đi kiểm tra đo lại thị lực 1 lần, khi về già, lớn tuổi nếu có loạn thị thì khi đó làm kính đa tròng cũng không muộn. Vì kính đa tròng có giá cao gấp nhiều lần (giá kính đa tròng xài được cũng 3.800.000đồng/ cặp).

Sau khi cắt kính xong, y sĩ bước ra, đặt cặp kính lên mắt phóng viên và xoay mặt phóng viên ra phía cửa, hỏi“anh nhìn ra ngoài thấy sáng hơn chưa?. Thấy rõ không?”. Dù chưa định thần vì mọi việc quá nhanh, phóng viên vẫn miễn cưỡng gật đầu.

Lấy lý do muốn biết thông tin về tròng kính cắt tại Hoà Hảo, phóng viên yêu cầu lấy vỏ bao tròng kính. Lúc đầu, y sĩ này từ chối đưa vỏ bao kính vì lý do “vỏ bao tròng kính công ty thu hồi lại”. Tuy nhiên, trước thái độ kiên quyết, nếu đưa kèm vỏ bao kính, phóng viên sẽkhông mua kính, y sĩ này đã miễn cưỡng lấy ra 2 vỏđưa cho phóng viên và không quên “trách móc”: lần đầu tiên có khách đòi vỏ mắt kính!

Không riêng gì Hoà Hảo, quá trình cắt kính và giao trả kính cho khách hàng tại khu vực đo tật khúc xạ bệnh viện Mắt TPHCM cũng không có vỏ bao tròng kính đi kèm. Có khác chăng là hàng trăm chiếc kính giao trả cho khách hàng đặt mua ngày 13/4 đều được “thay” vào hộp nhựa có dòng chữ Bệnh viện Mắt TPHCM.

Và cũng như tại Hoà Hảo, sau khi nhận kính, phóng viên hỏi “mắt kính này do đâu sản xuất? Sao lại không có nhãn mác, không có vỏ bao?”. Thì được cho biết, đây là mắt kính Singapore nhập về. Tuy nhiên, bệnh viện không giao kèm vỏ bao gốc cho khách hàng. Mà chỉ có vỏ nhựa. Vừa nói, cô nhân viên giao kính vừa chỉ vào chiếc rổ chứa đầy hộp nhựa đựng kính đang chờ giao cho khách, để ngay bên chân ghế ngồi “Anh xem, làm gì có vỏ bao mà trả?”. Rồi tiếp tục chỉ tay về phía sau tôi, nơi có hơn 10 khách hàng sau khi đã nhận kính đang ngắm nghía, kiểm tra kính và nói “Có ai đòi vỏ bao kính như anh không? Bọn em chỉ giao bao nhựa chứa kính. Ở đây ai cũng như ai!”.

Loạn kính thuốc - Bài 3: Bệnh viện Mắt TPHCM, Medic Hoà Hảo bán kính thuốc ‘đểu’? ảnh 2

Bệnh viện Mắt TPHCM.

Kính Nhật, Sing.... hay chiêu “treo đầu dê, bán thịt chó”?

Như đã kể, khi đeo kính của Trung Tâm Medic Hoà Hảo và Bệnh Viện Mắt TPHCM cắt đã khiến phóng viên choáng váng, liêu xiêu và mất cảm giác thăng bằng khi bước đi. Thậm chí, khoảng 21 giờ, khi chạy xe gắn máy, phóng viên mang lần lượt từng kính ra đeo thử thì có cảm giác chân mình như... dài ra, yên xe thấp xuống, các phương tiện khác đang lưu thông trên đường cũng bị “lùn” hơn thường ngày khi chưa đeo kính.

Loạn kính thuốc - Bài 3: Bệnh viện Mắt TPHCM, Medic Hoà Hảo bán kính thuốc ‘đểu’? ảnh 3

Gọng kính và tròng kính tại quầy trưng bày BV Mắt TPHCM.

Mang hai cặp tròng kính trên đến một người có gần 10 năm buôn bán tròng kính, dù không có thông tin kèm theo nhưng anh thợ khẳng định chắc chắn mắt kính mua ở Bệnh viện Mắt TPHCM là trong tráng cứng (loại này do Trung Quốc sản xuất) chứ không phải của Singapo. Giá của nó chỉ rơi vào khoảng 30-60 nghìn đồng.

Khi nghe nói mắt kính này nhập từ Singapore, anh thợ giải thích: “Mắt kính Singapore không có đâu, mà có thì không có giá đó. Bệnh viện Mắt TPHCM bán kính cho anh, nếu bỏ qua vấn đề giá cả thì rõ ràng mắt kính của anh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Không rõ các thông số liên quan. Lấy gì chứng minh nó là mắt kính của Singapore. Không tin anh cứ hỏi lại người ta, đòi vỏ bao sẽ rõ”.

Với mắt kính mua tại Hoà Hảo, tuy chưa xác định được của ai sản xuất nhưng anh thợ khẳng định đó là đồ “đểu”. Anh lập luận: “hàng nhập, nếu đúng hãng của Nhật, Hàn, Sing, Thái hay Châu Âu thì sẽ có vỏ bao kính. Trên vỏ bao kính sẽ có thông tin hãng sản xuất, địa chỉ, các thông số như độ phân giải cao, thấp, độ dày của kính, các tính năng như chống UV, ánh sáng xanh....”.

Chỉ vào chữ Hoga trên vỏ bao, anh tiếp tục phân tích. “Hãng kính của Nhật xịn trước giờ chỉ có kính Hoya. Còn vỏ bao của anh lại là Hoga. Trên vỏ có ghi thông tin tiếng anh là made in Japan, có tem tiếng việt nhập khẩu từ Nhật bản... nhưng anh xem, bao bì đúng chuẩn người ta phải có địa chỉ nhà sản xuất chứ sao lại chỉ có địa chỉ nhà phân phối ở Việt Nam, còn thông tin xuất xứ lại chung chung như vậy?. Tôi cam kết với anh rằng đây là bao bì công ty tự in chứ không phải bao bì chính hãng”. Để tăng thêm độ thuyết phục, anh tìm trên mạngcụm từ “tròng kính Hoga” để chứng minh. Và quả thực, tìm kiếm không cho ra kết quả nào có thông tin nào vềtròng kính Hoga, hay địa chỉ thông tin nhà máy sản xuất.

“Theo thông tin mà y sĩ này nói với anh là cắt kính có độ chiết xuất là 1.60 nhưng trên vỏ bao người ta đưa cho anh lại ghi độ chiết xuất là 1.56. Trong toa lại ghi là mắt anh bị cận, loạn nhưng cả 2 vỏ bao lại là vỏ của kính cận, không có loạn. Ngay cả độ cận mắt trái là -1,25, sao trên vỏ kính lại là -1,50? Vỏ bao kính có ghichống ánh sáng xanh, tại sao mắt kính họ giao cho anhkhi soi đèn qua, trên giấy trắng vẫn đổi màu???”. Người thợ này phân tích sâu.

Cũng theo anh cho biết, hiện nay, trên thị trường, đa phần là kính tròng tráng cứng. Đây không phải là do khách hàng ưng ý lựa chọn mà là do các cơ sở mắt kính bán hàng này vì lợi nhuận cao. Giá nhập vào chỉ trên dưới 50.000 đồng nhưng thường cửa hàng sẽ “chặt chém” khách tới hàng chục lần giá nhập. Còn một dạng khác là công ty mua hàng có loại 2, loại 3. Kính có độ chiết xuất thấp như 1.50, 1.56, nên có giá thành rẻ rồi “ăn gian” khách hàng thành 1.60, 1.67 hay 1.74 để thu lợi cao. Để qua mặt khách hàng, một số công ty nhập hàng tại Việt Nam còn tự soạn nội dung thông tin, mẫu mã, tem nhãn gửi cho nhà sản xuất hàng nhái ở nước ngoài để in ấn thành vỏ bao của công ty nhằm trục lợi, lừa dối khách hàng.

Điều khiến dư luận hoang mang lo lắng là việc khám, đo thị lực cũng như việc mua bán kính thuốc hiện đangthả nổi gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, thị lực của người dân. Nhưng lâu nay vẫn diễn ra công khai mà ngành y tế, quản lý thị trường và cơ quan chức năng vẫn đang bỏ ngỏ.

Ngay cả các cơ sở bệnh viện hàng đầu như Medic Hoà Hảo, Bệnh Viện Mắt TPHCM còn bán mắt kính đểu nhưng không ai biết, ai hay thì thử hỏi làm sao có thể quản lý được các cơ sở mắt kính khác?!

Khuyến cáo của WHO

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Quốc tế về Phòng chống Mù lòa (IAPB) đã nhận định rằng, tật khúc xạ chưa được chỉnh kính đã và đang là một nguyên nhân đáng kể gây mù và là nguyên nhân chủ yếu gây giảm thị lực. Năm 2006, WHO ước tính có khoảng 2,3 tỷ (1/3) người trên thế giới mắc tật khúc xạ, trong đó có 153 triệu người bị giảm thị lực hoặc bị mù do tật khúc xạ không được chỉnh kính.

Trong khi đó, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh tại nước ta mắc tật khúc xạ đặc biệt là tật cận thị ngày càng tăng cao. Trong khoảng hơn một thập kỷ qua, một số nghiên cứu điều tra dịch tễ học được tiến hành trong cả nước đã chỉ ra rằng, tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ đặc biệt cao ở các thành phố lớn dao động từ 18% tới 38,8%. Tức bình quân trong 10 trẻ em thì có một đến 3 em phải đeo kính. Cụ thể, theo một nghiên cứu của bệnh viện Mắt TP tại TPHCM từnăm 2005-2007, cho thấy tỷ lệ tật khúc xạ chung của giáo viên và học sinh/tổng số nghiên cứu là 39,35%. Tật cận thị -38,88%, loạn thị 30,4%. Tỷ lê cận thị tang dần theo cấp học. Trong đó, cấp 1 là 29,86%, cấp 2 46.11%, cấp 3 là 43,63%. Đặc biệt trong những năm gần đây, lối sống hiện đại với việc sử dụng ngày càng phổ biến các phương tiện điện tử và cường độ học tập cao đã làm tăng cao tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở lứa tuổi học đường. Việc khám, điều trị tật khúc xạ ở trẻ em vô cùng quan trọng, việc điều trị kịp thời, đúng cách sẽ góp phần ngăn ngừa tật khúc xạ tiến triển cho trẻ về sau.

Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.