Các nhà khoa học Đức đã sử dụng dữ liệu mô hình và hình ảnh vệ tinh đưa ra kết luận cho thấy kỷ lục mới đã phá vỡ kỷ lục trước đó là 464 tỷ tấn bị mất vào năm 2012. Về cơ bản, lượng băng tan ở Greenland trong năm 2019 khiến mực nước biển toàn cầu tăng 1,5 mm.
Cùng với sự tan chảy, nghiên cứu cũng chỉ ra năm 2019 có lượng tuyết rơi thấp hơn trung bình trong thời gian dài, làm tăng thêm sự mất mát về khối lượng chung.
Trước đó, những nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của NASA từ năm 2003 đến năm 2019, phát hiện lượng tan chảy thấp bất thường vào năm 2017 và 2018, tiếp theo là lượng tan chảy cao kỷ lục vào năm 2019.
"Sau hai năm, vào năm 2019, tổn thất đã tăng mạnh vượt quá tất cả các tổn thất hàng năm kể từ năm 1948. Năm 2017 và 2018 là những năm rất lạnh ở Greenland, tuyết rơi nhiều. Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi đáng kể giữa các năm”, Ingo Sasgen, tác giả nghiên cứu và là nhà nghiên cứu về băng tại Trung tâm Nghiên cứu Biển và Địa cực Helmholtz ở Đức, cho biết.
Bắc Cực đang chịu một số tác động khắc nghiệt nhất và tức thời của biến đổi khí hậu thông qua một quá trình được gọi là khuếch đại vùng cực. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng sự tan chảy cũng được khuếch đại bởi sự giảm khả năng phản xạ các tia từ Mặt trời. Nói cách khác, quá trình tan chảy trước đó đã dần dần loại bỏ những tảng băng lớn phản chiếu và để lại những tảng băng sẫm màu hơn, hấp thụ nhiều nhiệt hơn làm ấm thêm khu vực.
“Thật kinh khủng khi năm 2019 là một năm kỷ lục khác về lượng băng mất đi. Vào năm 2012, đã khoảng 150 năm kể từ khi trải qua mức độ tan chảy tương tự. Hiện chúng ta đã có lượng băng kỷ lục mất hai lần trong vòng chưa đầy 10 năm”, tiến sĩ Twila Moon, một nhà khoa học tại Đại học Colorado ở Boulder, người không tham gia vào nghiên cứu, bình luận.