CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (HOSE: SJF) là một mã chứng khoán yếu với mức giá chỉ khoảng 2,000~3,000 đồng/cổ phiếu suốt từ cuối năm 2019 đến nay. Cuối tuần trước, bỗng nhiên giá cổ phiếu này tăng mạnh 18% lên 3,630 đồng/cổ phiếu từ cuối tuần trước. Cùng thời điểm đó, là thông tin CTCP Sao Thái Dương có nhiều sản phẩm được Bộ Y tế đưa vào danh mục hỗ trợ điều trị covid. Các nhà đầu tư có thể đã nhầm lẫn giữa CTCP Đầu tư Sao Thái Dương và CTCP Sao Thái Dương.
CTCP Đầu tư Sao Thái Dương được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012 với giấy phép kinh doanh số 0105806767. Công ty có đăng ký kinh doanh chính là sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm lâm nghiệp và thiết bị phụ tùng nông nghiệp. Trụ sở chính của công ty đặt tại tòa SIMCO Sông Đà, Tiểu khu Đô thị mới Vạn Phúc, Quận Hà Đông, Hà Nội. Đơn vị này hoàn toàn không liên quan đến CTCP Sao Thái Dương.
Tháng 09/2018, CTCP Đầu tư Sao Thái Dương đã nâng vốn điều lệ lên 792 tỉ đồng nhưng vì sử dụng vốn không hiệu quả nên liên tục làm ăn thua lỗ. Từ năm 2018, giá cổ phiếu của CTCP Đầu Tư Sao Thái Dương tụt giảm từ 28,000 đồng/cổ phiếu xuống chạm đáy còn 1,200 đồng/cổ phiếu vào tháng 04/2020. Suốt hai năm qua, cổ phiếu công ty này không có sự tăng trưởng mạnh chỉ sụt giảm quanh mức ~2,500/cổ phiếu và tình hình kinh doanh bết bát khi lỗ 28 tỷ vào năm 2020, tiếp tục lỗ 2 tỷ đồng vào quý 1 năm 2021.
Kết quả kinh doanh của SJF những năm gần đây. |
CTCP Sao Thái Dương (tiền thân là cơ sở Thái Dương) được thành lập vào tháng 5/2002, dưới sự dẫn dắt của dược sĩ Nguyễn Hữu Thắng và Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Hương Liên. CTCP Sao Thái Dương. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu. Doanh nghiệp đăng ký địa chỉ trụ sở tại phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội có giấy phép kinh doanh: Số 0101252356. Tháng 11/2018, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 150 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này đã hoạt động19 năm nhưng 4 năm trở lại đây, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp này mới có nhiều gam màu sáng với sự tăng trưởng phi mã. Năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Sao Thái Dương lần lượt đạt 69,3 tỷ đồng và 466,45 tỷ đồng. Trong năm 2019, doanh thu thuần của Sao Thái Dương đạt 828,7 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Sao Thái Dương đạt 653 tỷ đồng, tăng 54% so với thời điểm đầu năm, trong đó, vốn chủ sở hữu ở mức 174 tỷ đồng.
Năm 2020, lợi nhuận thuần của doanh nghiệp này giảm mạnh hơn 50% so với năm trước đó, xuống mức 3,1 tỷ đồng. Con số này thậm chí còn thấp hơn cả kết quả đạt được năm 2018. Điều này cho thấy khả năng quản lý chí phí của Sao Thái Dương dường như đang gặp vấn đề không nhỏ khiến lợi nhuận bị bào mòn.
Kết quả kinh doanh của CTCP Sao Thái Dương tăng phi mã 4 năm gần đây. |
Dù doanh thu khá cao tuy nhiên lợi nhuận thuần của Sao Thái Dương lại tương đối mỏng chỉ vài tỷ đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận ròng những năm gần đây chưa tới 1%. Doanh nghiệp này vẫn đang loay hoay tìm cách tăng lợi nhuận trên mỗi sản phẩm và giảm các chi phí đầu vào.
Ngày 24/7/2021, sản phẩm CTCP Sao Thái Dương lọt vào danh sách 12 loại thuốc được liệt kê tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu trong phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19, đính kèm Công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, sáng 26/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản thu hồi công văn này do một số nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, giá cổ phiếu CTCP Đầu Tư Sao Thái Dương (SJF) bỗng tăng liên tục từ ngày 26/07 đến nay với mức tăng 18% từ 3,100 đồng/cổ phiếu lên 3,600 đồng/cổ phiếu với khối lượng tăng gấp 3 lần phiên 23/07.
Có vẻ như hai công ty này đều có các sản phẩm từ cây trồng và tên gọi giống nhau nên gây hiểu nhầm cho nhà đầu tư.
Lượng cổ phiếu giao dịch mã SJF Nguồn: Vietstock. |
Trong một diễn biến khác, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ngày 27/7 đã có chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng "kháng virus, kháng COVID-19...". Đơn vị này nêu rõ: trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tâm lý phòng chống dịch bệnh của nhân dân tăng cao, trên thị trường xuất hiện một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng “kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống COVID-19”… Ví dụ như: Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh), Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương... Tuy nhiên, những sản phẩm này đều chưa đăng ký bản công bố tại cơ quan có thẩm quyền hoặc ghi thông tin không chính xác, tăng giá bán đột biến so với giá bán thông thường niêm yết trước đó.
Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường giá cả - hàng hóa đối với những mặt hàng nêu trên. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.