Các tuyến cáp bị ảnh hưởng lần này được xác định là Liên Á (IA), SEA-ME-WE3 (SMW3) và Asia America Gateway (AAG). Hiện các chuyên gia chưa rõ nguyên nhân dẫn đến việc mất tín hiệu của cả ba tuyến cáp cũng như lịch trình sửa chữa, song theo nhiều đại diện công ty, có khả năng sự cố xảy ra do ảnh hưởng của bão.
Thực tế cho thấy, việc các tuyến cáp quang biển gặp sự cố trong thời gian qua đã trở thành "cơm bữa" và các ISP đều có các tuyến dự phòng để bảo đảm việc truy cập Internet ra quốc tế cho khách hàng. Có thể kể ra đây như tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Gateway - APG) chính thức vận hành từ cuối năm 2016.
Trước đó, cáp APG cũng đã ít nhất 2 lần gặp sự cố nên độ tin cậy không thể là tuyệt đối. Gần đây nhất, vào lúc 16h ngày 20/06, tuyến cáp APG đã gặp sự cố ở phân đoạn Việt Nam - Hồng Kông.
Mới đây, VNPT và Viettel cho biết, trong tháng 7, các đơn vị này mở kênh khai thác chính thức trên tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1). Đây là hệ thống cáp biển kết nối các khu vực châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu, đi qua 19 quốc gia với tổng dự án khoảng 820 triệu USD.
Tuyến cáp quang biển AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11.2009, có tổng chiều dài hơn 20.000Km, dung lượng thiết kế đạt 2Tbps, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ qua nhiều định tuyến khác nhau. Hiện tại, tuyến cáp quang biển AAG đang được nhiều nhà mạng sử dụng như: VNPT, Viettel, FPT Telecom, SPT...