Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Một ngày cuối tháng 12, mẻ gốm xuân của Trịnh Vũ Hiếu - những tác phẩm gốm mộc mạc và duyên dáng đã được ra mắt trong sự háo hức chào đón từ anh em bạn bè của nghệ sĩ. 
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu

Trịnh Vũ Hiếu, từng nổi tiếng với triển lãm "Loong Koong" (2022) tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA, là người luôn say mê tìm kiếm những ngôn ngữ sáng tác mới cho thỏa niềm đam mê. Với trí óc và bàn tay tài hoa, anh đã phục dựng văn hoá truyền thống, truyền tải câu chuyện về những vị thần trong đời sống tâm linh từ ngàn xưa một cách gần gũi thông qua những tác phẩm chế tác tinh xảo kết hợp với nghệ thuật vẽ tranh dân gian trên bề mặt gốm.

Mẻ gốm xuân lần này ở sự kiện "Mở Lò" ("Kraken Studio Ceramic", số 48 ngõ 296 Bắc Cầu) mở đầu bằng một loạt những sản phẩm có hơi thở của bữa cơm ngày Tết, đời thường, mộc mạc, dung dị dưới dáng hình những vật dụng hàng ngày. Họa sĩ Trương Thúy Anh, người đứng ra sắp xếp sự kiện "Mở Lò" thay cho Trịnh Vũ Hiếu, chia sẻ: "Hiếu vốn thích làm những thứ to tát, đôi khi gây khó hiểu về ý tưởng sáng tác. Còn với mẻ gốm Tết lần này, cậu ấy làm chủ yếu là bát đĩa, cốc chén..., rất mộc, rất duyên! Hóa ra bên ngoài tỏ vẻ bất cần, nói năng thì bạt mạng, bên trong Hiếu cũng mềm mại, mộc mạc và tình lắm!"

Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 1

Hiếu cho biết, mẻ gốm này được nung trong lò hơn 30 giờ đồng hồ, với nhiều trong số những sản phẩm bát đĩa chén trang trí cỏ cây đã được đặt hàng thông qua một người bạn trong giới. "Đây là lần đầu tiên Hiếu nhận làm theo đơn đặt, chứ đó giờ tôi chỉ làm những gì mình thích thôi."

Dường như Trịnh Vũ Hiếu vẫn trung thành với mô tuýp các bình lọ gốm và thẩm mỹ và tạo hình của tranh hàng Trống. Anh tập trung nhiều hơn vào sự thể hiện màu sắc, hình vẽ cỏ cây và những dòng chữ bay lượn.

Với riêng tôi, mẻ gốm của Hiếu đã thành công tạo nên ấn tượng thị giác tuyệt vời với sắc trắng ngà và xanh (blue) chủ đạo. Loạt gốm khiến tôi liên tưởng đến sắc xanh indigo (kỹ thuật nhuộm chàm) trong giới thời trang, hay những bức ảnh sử dụng kỹ thuật lâu đời cynanotype (kỹ thuật in đơn sắc xanh thế kỷ 19). Sắc xanh lành lạnh, dễ dàng biến hóa và chạm tới đủ mọi cung bậc cảm xúc của những người nhìn ngắm. Đó có thể là màu xanh của thiên nhiên, bầu trời cao và biển cả rộng lớn, khơi gợi hy vọng, bình yên trong tâm trí. Hoặc là màu xanh của sự tĩnh lặng, mặt biển yên ắng, cô độc, thâm sâu. Rõ ràng, cảm nhận về màu sắc là sự chủ quan, và nghệ thuật cũng là như vậy.

Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 2
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 3

Bên cạnh đó, Trịnh Vũ Hiếu cũng chia sẻ thêm về một số tác phẩm khác trong mẻ gốm lần này, những thử nghiệm mới trong một dự án đang được anh ấp ủ. Đó là những chiếc bình cao gần một mét với sắc xám xanh, bên trên đầy những nét chữ nguệch ngoạc "gửi từ chiến trường", theo lời anh kể. Trịnh Vũ Hiếu đã mất tương đối thời gian và những mối quen biết để được phép sử dụng những lá thư làm chất liệu cho tác phẩm của mình. Về màu gốm, Hiếu đã thử sử dụng sắc xanh ám khói để mô tả chiến trường: "Nhưng tôi cũng chưa thật sự hài lòng, tôi đang suy nghĩ đến việc đổi màu nền sang màu trắng để có thể làm nổi bật hơn những chi tiết và ý đồ của mình. Có lẽ tôi sẽ còn thay đổi rất nhiều."

Một số hình ảnh tại sự kiện "Mở Lò" do PV Ngày Nay ghi lại:

Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 4
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 5
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 6
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 7
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 8
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 9
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 10
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 11
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 12
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 13
Mẻ gốm Xuân của Trịnh Vũ Hiếu ảnh 14
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.