Nghiên cứu được thực hiện phần lớn trong phòng thí nghiệm của Giáo sư Toshikazu Hasegawa từ Đại học Tokyo với Tiến sĩ Atsuko Saito - tác giả đầu tiên của bài nghiên cứu. Saito hiện là phó giáo sư tại Đại học Sophia ở Tokyo.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 77 con mèo khác nhau trong dự án nghiên cứu, được chia thành 4 thí nghiệm riêng biệt được thực hiện trong vòng 3 năm.
Những con mèo được nghiên cứu trong dự án có lứa tuổi từ 6 tháng đến 17 tuổi, không phân biệt giới tính và hầu hết là các giống hỗn hợp và tất cả đều là mèo nuôi.
Đây là dự án đầu tiên nghiên cứu khả năng hiểu tiếng nói của loài mèo. Các dự án nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng vượn, cá heo, vẹt và chó có thể hiểu một số từ mà con người nói.
Tiến sĩ Saito suy đoán rằng các động vật có vú như cá heo và vượn là động vật xã hội và do đó có xu hướng tương tác với con người nhiều hơn và phản ứng với tín hiệu của con người.
"So với những loài khác, mèo không quá hòa đồng. Chúng chỉ tương tác với con người khi chúng muốn", Tiến sĩ Saito nói.
Các dự án tìm hiểu hành vi xã hội đơn giản như nhận dạng tên ở mèo có thể đưa ra manh mối về cách con người chúng ta hình thành tập tính xã hội. Cả người và mèo đều phát triển thông qua quá trình tự thuần hóa, nơi các tập tính dần hình thành và truyền sang các thế hệ tương lai.
"Có thể có một đặc điểm chung trong quá trình tiến hóa xã hội giữa người và mèo. Vì mèo vẫn đang tiến hóa để trở nên dễ dàng thuần hóa hơn, có khả năng chúng ta có thể thấy quá trình tiến hóa của tập tính xã hội bằng cách điều tra nhận thức ở mèo", Tiến sĩ Saito nói.
Để kiểm tra xem một con mèo có nhận ra tên của nó hay không, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra bằng cách đọc các từ có phát âm gần giống. Ví dụ, một con mèo tên Kari cũng sẽ nghe bản ghi âm của các từ hifu (da) và shuto (thành phố thủ đô).
Các nhà nghiên cứu đã phát các bản ghi âm giọng nói của chính họ và giọng nói của chủ nhân những con mèo qua 5 từ: 4 từ đầu tiên là các danh từ nghe giống nhau và từ cuối cùng là tên của con mèo.
Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng những con mèo bỏ qua khi nghe các từ khác nhau, nhưng động đậy tai hoặc đầu khi nghe tên của chúng. Những con mèo này hiếm khi trả lời nhiệt tình hơn, ví dụ bằng cách di chuyển đuôi hoặc cơ thể hoặc bằng tiếng kêu.
Các nhà nghiên cứu tuyên bố một số con mèo dù không phản ứng khi nghe tên của chúng nhưng không có nghĩa chúng không nhận ra tên mình.
"Sự thiếu phản ứng của chúng có thể là do mức độ tương tác thấp với con người, hoặc cảm xúc của chúng tại thời điểm thử nghiệm", Saito nói.
Tiến sĩ Saito đưa ra lời khuyên đơn giản cho bất kỳ người nuôi mèo nào muốn tăng giao tiếp với thú cưng của họ: "Hãy tương tác với mèo của bạn khi chúng tỏ ra hứng thú với chuyện này".
Các nhà nghiên cứu cũng đã kiểm tra xem mèo có thể phân biệt giữa tên của chúng và tên của những con mèo sống chung khác hay không. Những con mèo sống trong nhà có khả năng phân biệt tên của chúng với những con mèo khác so với những con mèo sống trong các quán cà phê.