Môn Giáo dục công dân chính thức vào kỳ thi THPT quốc gia
Cách đây không lâu, khi Bộ GD&ĐT tuyên bố sẽ có phương án thi THPT quốc gia mới trong năm 2017, nhiều học sinh và phụ huynh đã thực sự bối rối không biết phải “đối phó” làm sao. Tất cả đều đoán già đoán non môn thi, hình thức thi.
Tháng 9/2016, mọi thắc mắc được giải tỏa khi phương án thi THPT năm 2017 chính thức được công bố. Đề thi minh họa cho 9 môn thi chính: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân cũng liền theo đó được đưa lên mạng. Thí sinh sẽ phải thi 4 bài thi, gồm 3 bài bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Ngoại trừ Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đề thi bao gồm các câu hỏi ở cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ.
Phương án thi đã công bố khiến nhiều thí sinh và giáo viên bối rối |
Điểm mới của kỳ thi THPT 2017 là môn Toán thi trắc nghiệm hoàn toàn, môn Giáo dục công dân lần đầu tiên trong lịch sử trở thành môn thi chính thức trong thi tốt nghiệp. Mỗi thí sinh trong một phòng thi sẽ có một mã đề riêng, chấm bằng máy. Thời gian thi chỉ gói gọn trong 2 ngày trong tháng 6/2017.
Phương án thi mới này không gây tranh cãi nảy lửa, nhưng cũng ít nhiều gieo nỗi băn khoăn cho cả học sinh, phụ huynh và giáo viên. Theo công bố, đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, nhưng đó là “chủ yếu”, liệu đề thi có ra thêm chương trình lớp 10, lớp 11 không và tỷ lệ bao nhiêu phần trăm? Đề thi có yêu cầu phân ban hay không?...
Loạn đề thi thử trên thế giới ảo
Theo ý kiến của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, phương án thi THPT năm 2017 thay đổi với mục đích giúp học sinh ngày càng học nhẹ nhàng hơn và quyền lợi các em sẽ cao hơn khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Nhưng, sự thay đổi chóng vánh khi chỉ còn 9 tháng nữa là diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2017, khi đặt vào tâm thế của những học sinh cuối cấp mới thấy, đó thực sự là một nỗi lo lắng đè nặng với học sinh.
Các “lò” luyện thi trên mạng đã nhanh chóng tung ra hàng loạt đề thi trắc nghiệm, nhiều nhất là môn Toán. Ông Phùng Hồ Hải – Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam lo ngại, các “lò” luyện thi đang đi theo phương thức dạy cho thí sinh các tiểu xảo làm bài thi, cách sử dụng máy tính để “đi tắt, đón đầu”, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập và khả năng tư duy của học sinh.
Nguyễn Trà My - học sinh cuối cấp trường THPT Chu Văn An cho biết: “Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng cuối cấp, hầu hết các bạn đều đã xác định từ năm lớp 10, muộn nhất cũng là lớp 11. Khối thi đã chọn, môn thi đã chuẩn bị, đã mất nhiều công sức đi học thêm, ôn luyện các thể loại. Môn Toán từ khi lên THPT tụi em chỉ được học theo phương án tự luận làm theo phương pháp mẫu mực, chưa hề biết về Toán trắc nghiệm, tới tưởng tượng cũng chưa dám nghĩ tới! Thi trắc nghiệm có từ 40 - 60 câu mà chỉ có 90 phút là không đủ thời gian, tính ra một câu làm trong khoảng thời gian chưa đầy 2 phút (?!)”. Đây cũng là lo lắng chung của rất nhiều học sinh cuối cấp.
Cuối tháng 10 sẽ công bố dự thảo quy chế thi
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết trên báo chí, cuối tháng 10 quy chế soạn thảo xong sẽ đưa dự thảo lên trên mạng để lấy ý kiến của các trường, chuyên gia, dư luận. Sau 45 ngày tiếp thu ý kiến xong, Bộ sẽ chính thức công bố quy chế.
Cũng theo ông Ga, tháng 5/2017, Bộ GD &ĐT sẽ cố gắng chuẩn bị ngân hàng đề thi đủ lớn để mỗi thí sinh trong phòng thi có mã đề riêng. “Bộ đã lập Ban soạn thảo đề thi, gồm các thầy cô giáo giỏi trong cả nước, để xây dựng ngân hàng câu hỏi. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã có kế hoạch chi tiết từng ngày như khi nào làm đề thô, khi nào làm đề tinh, khi nào cho học sinh làm thử… để chuẩn hóa đề thi đó. Làm sao để tháng 5/2017 có ngân hàng đề thi đủ lớn để mỗi thí sinh trong phòng thi có mã đề riêng” – ông Ga nói.
Theo phân tích của thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên Trung tâm Luyện thi Hocmai.vn (Hà Nội), với lượng thời gian và số câu hỏi được rút ngắn mới mẻ trong năm 2017, các chuyên gia Bộ GDĐT chắc chắn đã có những tính toán hợp lý. “Nhiều khả năng đề thi sẽ được ra theo xu hướng nhanh, gọn, chính xác kể cả các câu dễ hay khó để thí sinh có thể làm được trong khoảng thời gian đó. Vì vậy, các em không nên quá lo lắng”. Thầy Ngọc đưa lời khuyên, thí sinh không nên sa đà vào những bài tập quá khó, quá sâu và quá dài. Trên mạng có rất nhiều bài tập, bài thi mà độ dài và độ khó còn khiến giáo viên “chào thua”, huống hồ là học sinh. Học sinh không nên “đuối sức” với các đề thi không có nguồn gốc này vì dễ oải và dễ “chùn bước”.