"Việc phá hủy rừng và mở rộng nông nghiệp vừa thúc đẩy biến đổi khí hậu vừa khiến con người tiếp xúc gần hơn với các bệnh động vật hoang dã", Chuyên gia Mandeep Dhaliwal, giám đốc bộ phận HIV, y tế và phát triển của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, cho biết.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết đại dịch COVID-19 có nguồn gốc từ loài dơi, khi điểm khởi phát của đại dịch là một khu chợ buôn bán động vật hoang dã ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Tiến sĩ David Nabarro, đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về đại dịch COVID-19, cho biết khoảng 1/3 các quốc gia trên thế giới hiện đang thực hiện cách ly xã hội và phong tỏa.
Điều đó đã buộc các nhà lãnh đạo phải đau đầu khi cân bằng giữa việc bảo vệ mạng sống và duy trì hoạt động của nền kinh tế, điều này có thể trở nên thường xuyên hơn khi các thảm họa liên quan đến khí hậu từ hỏa hoạn cho đến hạn hán trở nên tồi tệ hơn.
Gary Cohen, người đứng đầu Healthcare Without Harm - một tổ chức hoạt động tại 53 quốc gia để làm cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững với môi trường, cho biết biến đổi khí hậu, hay dịch bệnh như COVID-19, có thể khoét sâu thêm các bất công kinh tế và xã hội.
"Những người sống ở rìa xã hội, không có đủ thức ăn, nghèo đói hoặc không có nhà ở, không được chăm sóc sức khỏe. Đó là những người sẽ phải chịu mất mát nhiều nhất. Chúng ta đã thấy điều này trong đại dịch COVID-19", ông Cohen chỉ ra.
Hiện có hơn 850.000 trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới, 1/5 trong số đó là ở Mỹ. Ngày 31/3 ghi nhận kỷ lục về số ca tử vong tại các quốc gia như Pháp, Ý, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga.