Trong thế kỷ qua, tổng cộng 95% số lượng hổ trên thế giới đã biến mất, chỉ còn lại dưới 4.000 cá thể sống trong môi trường tự nhiên. Hổ Bengal chỉ còn được tìm thấy ở một số ít các quốc gia châu Á, trong đó chỉ vài trăm con sinh sống ở khu rừng Sundarbans.
Với diện tích hơn 10.000 km2, khu rừng ngập nước này cũng đang bị đe dọa, khi một số hòn đảo tại đây đang bị nhấn chìm bởi mực nước biển dâng cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.
Từ năm 2004 đến 2015, số lượng hổ Bengal đã giảm từ 440 xuống 106 ở Sundarbans. "Con số này hết sức nguy hiểm", theo ông Dipankar Ghose, giám đốc chương trình loài và cảnh quan của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF).
Nước biển dâng cao gây khan hiếm nước ngọt
Đầu năm nay, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng vào năm 2070, hổ Bengal có thể biến mất khỏi Sundarbans khi môi trường sống bị xóa sổ hoàn toàn bởi mực nước biển dâng cao, thời tiết khắc nghiệt hơn và lượng muối trong nước và đất tăng cao.
"Nước biển dâng gây cạn kiệt nguồn nước ngọt. Trong khi nước ngọt rất quan trọng để loài hổ Bengal tồn tại. Nếu mực nước biển tiếp tục tăng lên, chúng không còn khả năng sống sót tại đây",ông Sharif Mukul, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Một con hổ được gắn vòng cổ theo dõi tại Sundarbans. Ảnh: CNN |
Tuy nhiên nghiên cứu này không tính đến tác động của dịch bệnh, nạn săn trộm và số lượng con mồi suy giảm, ông Mukul nói, có nghĩa là kịch bản thực tế có thể tốt hơn hoặc tồi tệ hơn dự kiến.
Xung đột với con người
Khi nguồn cung cấp thức ăn và nước uống bị suy giảm, hổ Bengal phải mạo hiểm ra khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng và tìm tới các khu vực đông người sinh sống để sinh tồn.
Theo một nghiên cứu năm 2013, ít nhất 3 con hổ bị giết mỗi năm do xung đột với loài người.
Trung bình từ 20-30 người được báo cáo là bị giết bởi hổ hàng năm ở Sundarbans, nhưng con số có thể cao hơn vì các trường hợp con người xâm phạm vào lãnh thổ của chúng.
Nhưng những nỗ lực bảo tồn đang làm giảm xung đột giữa người và hổ, theo một nhóm các nhà bảo tồn làm việc tại Sundarbans.
Ông Anwarul Islam, giám đốc điều hành của tổ chức bảo tồn WildTeam, cho biết số vụ tấn công và tử vong của hổ đã giảm trong 5 năm qua do nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng địa phương đã tăng lên.
Cuộc sống của loài hổ Bengal tại Sundarbans đang bị đe dọa. Ảnh: CNN |
WildTeam đã thành lập một đường dây nóng về hổ vào năm 2013 và một đội tuần tra 24/24 đã can thiệp nếu một con hổ xuất hiện trong một ngôi làng.
"Nếu một con hổ đi lạc ra khỏi rừng, mọi người biết rằng họ sẽ không bị giết vì đội tuần tra sẽ có mặt. Họ cảm thấy an toàn", ông Islam nói.
Tuy nhiên những động thái này vẫn là chưa đủ, ông Isla, nhấn mạnh rằng những con hổ sẽ không có nơi nào để đi nếu Sundarbans bị nhấn chìm.
Ông Ratul Saha thuộc chương trình Cảnh quan Sundarbans của WWF nhận định để bảo vệ loài hổ Bengal, Ấn Độ và Bangladesh nên xác định các điểm nóng nơi thực vật và các loài cây ngập mặn đang phát triển mạnh và di chuyển những loại cây này đến các khu rừng chết.
"Điều quan trọng là các bước cần thiết được thực hiện để tăng khả năng phục hồi khí hậu trong khu vực," ông Saha nói. "Đối với hổ, các nỗ lực bảo tồn phải tập trung vào việc phục hồi và bảo vệ môi trường sống tự nhiên của chúng".