Theo hãng tin CNBC, tuyên bố này của ông Mnuchin đặt ra nguy cơ một cuộc "chiến tranh tiền tệ" giữa các nước.
Phát biểu của ông Mnuchin được đưa ra trong một cuộc họp báo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos, Thụy Sỹ. Ngay sau đó, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 1%, còn 89,25 điểm.
Phát biểu của người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ thể hiện sự đồng quan điểm với Tổng thống nước này Donald Trump, người từng nói vào tháng 1 năm ngoái, trước khi nhậm chức, rằng đồng USD đang "quá mạnh" và rằng các công ty Mỹ không thể cạnh tranh, nhất là với các công ty Trung Quốc, vì USD tăng giá.
Tuyên bố đó của ông Trump đã làm đảo ngược xu hướng tăng giá trước đó của đồng USD, khiến đồng bạc xanh mất hơn 10% giá trị kể từ đó. Còn hiện tại, đồng USD đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2014.
"Rõ ràng một đồng USD yếu hơn là có lợi cho chúng tôi, vì điều đó có liên quan đến thương mại và các cơ hội", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Mnuchin.
Vị Bộ trưởng cho biết thêm giá trị của USD trong ngắn hạn "không phải là vấn đề chúng tôi quan tâm".
Theo dự kiến, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng sẽ có bài phát biểu vào ngày 25/1 sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của ngân hàng này.
Sau bài phát biểu, ông Draghi có thể được giới truyền thông đặt câu hỏi về sự tăng giá mạnh của đồng Euro hiện nay. Một đồng Euro mạnh có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu của châu Âu, trong khi USD yếu sẽ giúp ích cho xuất khẩu của Mỹ.
Mặc dù vậy, đồng USD quá yếu cũng sẽ khiến các tài sản Mỹ, bao gồm trái phiếu kho bạc, trở nên kém hấp dẫn hơn và đẩy giá cả hàng hóa gia tăng đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Phát biểu của ông Mnuchin có thể khiến nhiều đối tác thương mại của Mỹ lo ngại, bởi được đưa ra sau khi Mỹ mạnh tay đánh thuế nhập khẩu đối với hai mặt hàng máy giặt và tấm pin năng lượng mặt trời. Tuần này cũng bắt đầu vòng đàm phán thứ 6 giữa Mỹ với Canada và Mexico về điều chỉnh Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA).
Ông Trump sẽ có bài phát biểu tại Davos vào ngày thứ Sáu. Trong khi đó, các quan chức Mỹ dự WEF, bao gồm Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross, đang tích cực thúc đẩy các chính sách "nước Mỹ trên hết" về thương mại tại sự kiện này.
Một số chuyên gia cho rằng phát biểu của ông Mnuchin có thể bị đưa ra khỏi ngữ cảnh, bởi ông cũng nói ủng hộ đồng USD mạnh - một chính sách của Mỹ từ thập niên 1990.
"Trong dài hạn, sức mạnh của đồng USD là sự phản ánh sức mạnh của kinh tế Mỹ, cũng như phản ánh việc đồng USD đang và sẽ tiếp tục là đồng tiền dự trữ chủ chốt", ông Mnuchin phát biểu.
Mặc dù vậy, thị trường đã dồn sự chú ý vào việc ông Mnuchin nói rằng đồng USD yếu là có lợi cho Mỹ, có lẽ bởi WEF được coi là "pháo đài" của toàn cầu hóa và tự do thương mại.
Phát biểu này, nếu là tín hiệu về một sự dịch chuyển, thì sẽ là sự đi trệch khỏi chính sách mà Mỹ đã duy trì trong 3 đời tổng thống trước ông Trump. Trước ông Trump, các tổng thống Mỹ trong lịch sử gần đây thường tránh nói về vấn đề tỷ giá đồng USD mạnh hay yếu.
Đồng USD đã giảm giá 0,8% so với Euro, còn 1,24 USD/Euro, và giảm giá 1% so với Yên Nhật trong phiên ngày thứ Tư tại Mỹ.
Theo VnEconomy