Dẫn thông báo ngày 2/2 của Bộ Ngoại giao Áo, hãng tin Nova News đưa tin quốc gia này đã trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga vì có những hành vi không tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, thông báo của Bộ Ngoại giao Áo không đưa thêm thông tin chi tiết.
Bộ trên nêu rõ hai trong số bốn nhà ngoại giao được cho là những nhân vật không được hoan nghênh và đã được yêu cầu rời khỏi đất nước trước ngày 8/2. Hai người này đang làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Áo, trong khi hai người còn lại làm việc tại phái bộ tại Liên hợp quốc của Nga tại Vienna.
Trong khi đó, 3 nước Baltics là thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Estonia, Latvia và Litva cho biết họ đã yêu cầu các đại sứ Nga ở những nước này rời khỏi sau khi Moskva tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với Estonia.
Estonia, Latvia và Litva nằm trong nhóm các đồng minh NATO ủng hộ Đức cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard hỗ trợ Ukraine chống lại Nga.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã thông báo với đặc phái viên Estonia, nhấn mạnh rằng nhà chức trách này phải rời khỏi nước Nga trong tháng tới. Cả hai nước sẽ có đại biện lâm thời tại thủ đô của nhau thay vì đại sứ.
Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Urmas Reinsalu cho biết nước này đã đáp trả bằng việc yêu cầu đại sứ Nga rời đi trước ngày 7/2.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi Nga tiếp tục kế hoạch quân sự quy mô lớn và chúng tôi kêu gọi các quốc gia có cùng chí hướng khác tăng cường hỗ trợ cho Ukraine", Ngoại trưởng Reinsalu nói.
Với tinh thần đoàn kết với Estonia, Latvia đã yêu cầu phái viên Nga tại nước họ rời đi trước ngày 27/ 2. Theo một bài đăng trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics cho biết Estonia và Latvia đều hạ cấp quan hệ ngoại giao với Nga ở cấp đại biện.
Trước đó, vào tháng 4/2022, Litva đã trục xuất đại sứ Nga và hạ cấp cơ quan đại diện ngoại giao sau khi Ukraine cáo buộc lực lượng Nga giết thường dân ở thị trấn Bucha.
Moskva cho biết quyết định trục xuất đại sứ Estonia là để đáp trả quyết định của nước này về việc giảm quy mô của đại sứ quán Nga ở Tallinn.
"Trong những năm gần đây, giới lãnh đạo Estonia đã cố tình phá hủy toàn bộ phạm vi quan hệ với Nga. Nung nấu thái độ thù địch đối với đất nước chúng tôi đã được Tallinn nâng lên thành chính sách của nước này. Estonia đã nhận những gì họ đáng phải nhận”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh.
Ngày 11/1, Estonia đã yêu cầu Nga cắt giảm số lượng các nhà ngoại giao tại đại sứ quán của họ ở Tallinn xuống còn 8 người, tương đương với số lượng các nhà ngoại giao của Estonia ở thủ đô Moskva.
Theo thống kê của hãng thông tấn TASS, tính từ ngày 24/2/2022 – ngày mà Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine – đến hết năm, tổng cộng 574 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất khỏi các quốc gia phương Tây và một số đồng minh của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Đây là vụ trục xuất lớn nhất từ trước đến nay đối với Nga. Năm 2018, chỉ có 123 nhà ngoại giao Nga được tuyên bố là nhân vật không được hoan nghênh sau vụ đầu độc điệp viên Skripal.
Trong số các nước, Bulgaria là quốc gia trục xuất số lượng nhà ngoại giao Nga lớn nhất, với 83 người. 45 nhà ngoại giao đã bị trục xuất khỏi Ba Lan, 40 người tại Đức, 35 người tại Slovakia, 35 người tại Pháp và 28 người tại Mỹ.
Tổng cộng, 29 quốc gia châu Âu, cũng như Mỹ và Nhật Bản đã có những bước đi không thân thiện đối với các nhà ngoại giao Nga. Ngoài ra, 19 nhân viên Nga đã bị trục xuất khỏi phái bộ Nga tại EU.