Debra Killalea, người Australia, du lịch tới New Zealand cùng hai con nhỏ. Trong túi hành lý, Debra mang theo một quả chuối để đứa trẻ ăn trong thời gian chờ lên máy bay, tuy nhiên chính quả chuối lại khiến cô đối mặt với số tiền phạt lên tới 400 đôla NZ (tương đương 6 triệu đồng).
Khi Debra và hai con ngồi chờ tại sân bay Auckland, một người trong Phòng An ninh đã bất ngờ được yêu cầu cô để túi xách lên máy quét để kiểm tra.
Bất ngờ khi túi hành lý của Debra bị giữ lại vì lý do mang theo một quả chuối. Mặc dù khẳng định với nhân viên an ninh rằng quả chuối mình mang theo chỉ để ăn dọc đường và không có bất cứ một tác nhân gây hại nào, nhưng Debra vẫn không được phép mang quả chuối theo người và chấp nhận một án phạt hành chính.
Theo lời nhân viên an ninhi, trong chuối Autralia tồn tại một loại ruồi giấm có khả năng phá hủy cân bằng sinh thái của New Zealand. Một người phụ nữ bên cạnh Debra mang theo mật ong, loại thực phẩm nằm trong danh sách cấm và cũng phải chịu một số tiền phạt khá lớn.
Không chỉ khách nước ngoài, ngay cả người New Zealand nếu mang theo đồ ăn trong danh mục cấm cũng sẽ phải chịu mức phạt tương tự.
Nhân viên an ninh tỏ ra khá thông cảm với Debra khi đi cùng hai đứa con nhỏ. Tuy nhiên, anh cũng cảnh báo nếu còn tái diễn cô sẽ bị cấm quay trở lại đất nước này vĩnh viễn và số tiền phạt lên tới 100.000 đôla NZ (tương đương 1tỉ 400 triệu đồng).
“Kể cả bạn có nhiều kinh nghiệm du lịch thì đôi lúc vẫn có thể gặp rắc rối chỉ vì một quả chuối”, Debra cho hay. “Khi kể lại câu chuyện này cho một người bạn của mình, tôi mới biết cô ấy cũng đã bị phạt 400 đôla NZ do mang một quả cam vào New Zealand”.
Biên bản phạt của Debra vì cô lỡ mang chuối vào lãnh thổ New Zealand.
Bebra đưa ra lời khuyên cho những ai hay đi du lịch là hãy cẩn thận và tìm hiểu kỹ hơn về đất nước bạn đến, tránh vướng phải những vấn đề không đáng có.
Không chỉ New Zealand mà các nước khu vực Châu Đại Dương thường có những quy định nghiêm ngặt về việc nhập khẩu các loài thực vật và động vật ngoại lai do châu lục này có hệ sinh thái rất khác biệt so với nhiều nơi trên thế giới.
Năm 1935, loài cóc mía được nhập khẩu từ Hawaii vào Australia để tiêu diệt bọ cánh cứng hại mía. Tuy nhiên, chúng nhanh chóng trở thành loài vật gây hại và trở thành nỗi kinh hoàng của nước Australia.
Môi trường sống thích hợp đã khiến cóc mía phát triển với một tốc độ chóng mặt. Theo số lượng ước tính của các nhà hoa học thì loài động vật này đạt số lượng 200 triệu con vào năm 2007 và chiếm lĩnh 75 % lãnh thổ Australia vào năm 2008.
Loài cóc mía.
Cóc mía có khả năng tàn phá hệ sinh thái nơi chúng cư trú rất cao. Một con cóc mía trưởng thành có kích thước rất lớn (dài hơn 20 cm, nặng gần 1kg). Cóc mía rất phàm ăn.
Chúng ăn thịt tất cả các loại sinh vật mà nó tìm được. Ngoài ra, cóc mía còn cạnh tranh thức ăn, nơi sinh sản với các loài động vật lưỡng cư bản địa, gây mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
M.K