Một số điều chỉnh trong tuyển sinh đại học 2020

(Ngày Nay) - Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020 mà Bộ GD&ĐT mới ban hành vẫn giữ ổn định công tác tuyển sinh trong giai đoạn 2017-2020.
Một số điều chỉnh trong tuyển sinh đại học 2020

Năm 2020, Bộ GD&ĐT vẫn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ đại học, ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng. Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin.

Đối với các ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề, nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT, hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hay thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia (hoặc kết quả học tập THPT), thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế.

Cụ thể, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định. Nếu lấy điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT thì đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền,  Răng - Hàm - Mặt, Dược học, tối thiểu là 8 điểm trở lên. Riêng các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Khúc xạ nhãn khoa, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao, tối thiểu là 6,5 điểm trở lên.

Đối với ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao, điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT đối với các đối tượng là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế, hoặc giải vô địch quốc gia, quốc tế, tối thiểu là 5 điểm trở lên.  Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non tối thiểu là 6,5 điểm trở lên. 

Đáng chú ý, các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng ngoài quy định đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh, thành phố vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải nếu đáp ứng điều kiện: 3 năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi, hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường. 

Trao đổi với báo Đại đoàn kết, ông Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay việc tuyển sinh của trường vẫn dựa vào kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và kỳ thi THPT quốc gia. Bởi các hình thức này hiện vẫn được đánh giá là ổn định và chính xác.

Tuy nhiên, cũng có không ít cơ sở đào tạo có những phương án tuyển sinh riêng. Với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, góp phần tuyển chọn được những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo, năm 2020, ĐHQG TP HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.

Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực được sử dụng như một phương thức xét tuyển vào các đơn vị thành viên ĐHQG TP HCM và một số trường ĐH, CĐ ngoài hệ thống ĐHQG TP HCM. Cụ thể, theo thông báo gửi các sở GDĐT, ĐHQG TP HCM sẽ tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực trong năm 2020. Các thông tin chi tiết về kỳ thi đã được công bố tại các trang tin điện tử: thinangluc.vnuhcm.edu.vn; cete.vnuhcm.edu.vn.

Đại diện ĐHQG TP HCM cho hay, tùy theo ngành, nhóm ngành, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực nằm trong khoảng 30% đến 50% tổng chỉ tiêu, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Hiện có gần 50 đơn vị, trường ĐH, CĐ công bố sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM để xét tuyển. Cùng với ĐHQG TP HCM, nhiều trường tại TP HCM cũng cho biết sẽ tổ chức thêm kỳ thi hoặc bài kiểm tra năng lực để xét tuyển như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng...

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.