Thứ nhất, chiến tranh ngày càng tồi tệ sẽ làm trầm trọng thêm các tác động trực tiếp và gián tiếp đến dự báo tăng trưởng, bao gồm gia tăng khủng hoảng nhân đạo ở U-crai-na và dòng người tị nạn sang các nước láng giềng. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt thắt chặt hơn có thể dẫn đến đứt gãy thêm kết nối thương mại, bao gồm cả các liên kết năng lượng quan trọng giữa Nga và châu Âu, với những tác động bất lợi đối với đầu tư xuyên biên giới. Điều này sẽ dẫn đến gián đoạn nguồn cung nhiều hơn, giá toàn cầu tăng và biến động trên thị trường hàng hóa, với giá trị sản xuất toàn cầu ngày càng sụt giảm.
Thứ hai, căng thẳng xã hội sẽ gia tăng trong thời gian tới do hai nguyên nhân chính. Một là, giá nhiên liệu và lương thực toàn cầu tiếp tục tăng mạnh. Đây là mối quan tâm đặc biệt ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển với không gian tài khóa hạn chế, phụ thuộc nhiều vào năng lượng và nhập khẩu lương thực để tiêu dùng cơ bản. Hai là, tác động lâu dài hơn của cuộc khủng hoảng nhân đạo. Trong tương lai, dòng người tị nạn lớn có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội và tình trạng bất ổn.
Thứ ba, mặc dù các điều kiện đang được cải thiện, nhưng đại dịch vẫn có thể diễn ra theo chiều hướng xấu. Chủng Omicron được xem là có mức độ bệnh tương đối nhẹ với người được tiêm chủng, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá mối đe dọa mà các chủng loài phụ của nó gây ra.
Thứ tư, tăng trưởng tại Trung Quốc giảm đã bộc lộ những điểm yếu về cơ cấu của quốc gia này, như nợ công cao, đòn bẩy phát triển bất động sản, nợ hộ gia đình và hệ thống ngân hàng mỏng manh. Điều này sẽ dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu từ nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp trong khu vực và có thể làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa cho phần còn lại của thế giới.
Thứ năm, bất chấp những đợt tăng gần đây, kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong trung hạn khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đưa ra các chính sách để giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, với lạm phát vốn đã cao và giá năng lượng và thực phẩm tăng, kỳ vọng lạm phát cao hơn có thể trở nên phổ biến hơn và do đó, dẫn đến tăng giá cao hơn nữa. Thêm vào đó, tăng trưởng tiền lương danh nghĩa vẫn đi sau lạm phát giá cả ở hầu hết các quốc gia, gây thêm áp lực giá chung.
Thứ sáu, đại dịch đã làm nợ công tăng trên khắp thế giới. Khi lãi suất tăng, điều này sẽ làm căng thẳng ngân sách công với những lựa chọn khó khăn xung quanh việc củng cố tài khóa trong trung hạn, do áp lực đối với xã hội và trong một số trường hợp, chi tiêu quốc phòng có thể vẫn ở mức cao. Lãi suất cao hơn có thể dẫn đến sự hỗn loạn trong việc điều chỉnh giá tài sản hiện hành, bao gồm cả nhà ở.
Thứ bảy, môi trường địa chính trị xấu đi trên diện rộng. Về lâu dài, xung đột ở U-crai-na có nguy cơ làm mất ổn định các khuôn khổ luật lệ đã điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế trong thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự phân cực quốc tế gia tăng, hoặc xung đột lan rộng hơn, sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và cản trở quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu.
Thứ tám, tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra. Những tác động của hiện tượng ấm lên đã bắt đầu bộc lộ. Hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và các trận cuồng phong lớn trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, xung đột ở U-crai-na có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuyển đổi năng lượng. Trong ngắn hạn, sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng do chiến tranh và giá cả cao hơn có thể đồng nghĩa với việc phụ thuộc ngày càng nhiều vào các nhiên liệu hóa thạch bẩn như than đá.