Theo Nghị định 171 (có hiệu lực từ ngày 10/4/2015) thì trẻ em từ sáu tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc đội MBH cài quai đúng quy cách. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Thế nhưng, có một thực tế là lâu nay, việc đội MBH cho trẻ em vẫn chưa được các bậc phụ huynh quan tâm đúng mực. Lý do trẻ không quen đội, ngại vướng víu, còn nhà sản xuất thì do nhu cầu sử dụng không lớn nên không sản xuất nhiều. Với nhiều người, để tránh không bị xử phạt, thay vì mua mũ dành riêng cho trẻ đã cho đội chung mũ của người lớn khi tham gia giao thông. Điều này hoàn toàn không có tác dụng bảo đảm an toàn cho trẻ.
Việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ vẫn chưa được các bậc phụ huynh quan tâm đúng mực |
Theo quy định, MBH dành cho trẻ em cũng phải đạt các tiêu chuẩn như có tem chất lượng, đầy đủ quai, ba lớp. Các hành vi đội mũ nhưng không cài quai, đội mũ không phải MBH đều bị nhắc nhở, xử phạt. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại MBH nhưng được chọn nhiều nhất là những thương hiệu nổi tiếng như Protec, Honda, Osakar có trọng lượng từ 220g đến 450g. Để tạo sự hứng thú cho trẻ nhỏ khi đội, các hãng sản xuất đều chú ý tạo mầu sắc tươi sáng, bắt mắt, họa tiết đáng yêu như siêu nhân, mèo máy, công chúa, nhân vật hoạt hình… tuy nhiên chúng đều có giá khá cao (từ 200 đến 350 nghìn đồng).
Thế nào là mũ bão hiểm đạt chuẩn?
Theo chị Hà Phương, nhân viên cửa hàng MBH Protec 12B Ngọc Khánh (Hà Nội) thì để chọn một chiếc MBH đạt chuẩn cho trẻ, các bậc cha mẹ trước tiên phải nhìn tổng quan mũ, kiểm tra các bộ phận phải ăn khớp với nhau cũng như kích thước, khối lượng phù hợp, vừa vặn với vòng đầu của bé. Nếu trẻ đội mũ quá rộng sẽ không bảo đảm an toàn, dễ bị úp xuống mặt, che khuất tầm nhìn của trẻ hoặc dễ bị lật ngửa về phía sau khi đội. Theo đó, MBH đạt chuẩn của các hãng thường được sản xuất từ nhựa tốt như nhựa ABS, PVC với lớp xốp bên trong chắc, khả năng chịu lực cao.
Đây là phần quan trọng nhất của mũ có tác dụng hấp thụ xung động khi xảy ra va đập. Bởi vậy khi lựa chọn, phụ huynh nên chú ý, lớp xốp này phải có độ dày, rắn, chắc, dùng tay ấn vào không thấy lõm. Quai và khóa mũ phải thật chắc chắn. Ngoài ra, một chiếc mũ đạt tiêu chuẩn phải được ghi rõ thông tin về tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ, ngày sản xuất, logo và có tem bảo đảm chất lượng CR. Ngoài chất lượng và trọng lượng của mũ, một yếu tố cần nữa cũng rất quan trọng đó là quai đeo. Khi đội quai đeo phải được cài khóa cẩn thận, điều chỉnh độ căng chặt phù hợp. Quai đeo phải để ngay cằm, tránh cho mũ không bị văng ra khỏi đầu khi gặp tai nạn và tuyệt đối không để dưới cổ hoặc quai đeo lơ lửng không áp sát vào cằm vì khi ngã quai đeo dễ siết vào cổ. Một lưu ý khác là chỉ nên đội mũ cho trẻ từ 15-30 phút, hạn chế đội hơn hai giờ liên tục.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Quang Lê bị " ném đá " kịch liệt vì không đội mũ bảo hiểm chở con gái nuôi Phương Mỹ Chi
- Mũ bảo hiểm "rởm" vẫn bán tràn lan trên thị trường
- Phạt 1.210 trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ trong ngày đầu ra quân