Theo AFP, Trung Quốc từng tham gia RIMPAC – sự kiện tập trận hải quân quốc tế lớn nhất ở Thái Bình Dương với hơn 20 quốc gia tham dự mỗi hai năm một lần.
Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận RIMPAC do Mỹ chủ trì.
Tàu tiếp tế Qiandaohu của Hải quân Trung Quốc (PLAN) tham gia tập trận RIMPAC 2014.
Nhưng ngay khi Trung Quốc tham gia tập trận, niềm tin ngày càng suy giảm với những hành động gây hấn ở Biển Đông, khiến các nước láng giềng quan ngại.
Hành động xây đảo nhân tạo và mở rộng quân sự trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông đã phải hứng chịu những sự chỉ trích của quốc tế, bao gồm cả Mỹ.
Trung Quốc “có thể nhận được mời tham dự tập trận RIMPAC năm nay và chúng tôi đang xem xét vấn đề này”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện.
“Chiến lược của chúng ta ở châu Á-Thái Bình Dương là không loại trừ bất kỳ một quốc gia nào. Nhằm tăng cường an ninh trong khu vực, tất cả mọi người đều có quyền tham gia”, ông Carter nói.
“Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc thời gian qua cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng tự cô lập mình… Đó cũng là lý do ngày càng nhiều đối tác xích lại gần hơn với Mỹ”.
“Chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng lại lời mời”, cơ hội để Trung Quốc tham gia tập trận hải quân chung, ông Carter nói thêm.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, Đô đốc Harry Harris từng cảnh báo các nhà lập pháp rằng, Bắc Kinh “rõ ràng đang quân sự hóa” Biển Đông.
Washington mới đây cũng đã đạt được thỏa thuận với Philippines, qua đó có thể đưa các lực lượng Mỹ tới đồn trú luân phiên tại 5 căn cứ quân sự gần Trường Sa trên Biển Đông.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền hầu hết khu vực ở Biển Đông, bất chấp sự chỉ trích của các quốc gia láng giềng.
Thời gian qua, Bắc Kinh ngày càng củng cố hành vi ngang ngược này bằng cách cải tạo rạn san hô, đá ngầm, xây đảo nhân tạo, bao gồm cả đường băng quân sự.
Cuộc tập trận RIMPAC 2016 dự kiến sẽ diễn ra trong tháng Sáu và tháng Bảy. Cách đây hai năm, tập trận RIMPAC 2014 có sự tham gia của 23 quốc gia, 50 tàu chiến, 6 tàu ngầm và hơn 25.000 binh sĩ.
Đăng Nguyễn