Một nhà ngoại giao Mỹ cấp cao phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á đã kịch liệt lên án dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) – một kế hoạch tham vọng biến Pakistan trở thành một điểm chiến lược trên tuyến đường thương mại then chốt kết nối Trung Quốc trực tiếp ra Biển Arab.
Theo hãng tin RT, phát biểu tại Trung tâm Woodrow Wilson, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alice Wells cho biết dự án hàng tỷ USD – mà Trung Quốc ca ngợi là mô hình hợp tác với các quốc gia khác trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường” tham vọng – sẽ khiến cho kinh tế Pakistan thiệt hại dài hạn và chỉ có người dân nước này chịu thiệt. Nhà ngoại giao cảnh báo nguồn đầu tư khủng của Trung Quốc không đem lại lợi ích gì cho Pakistan ngoại trừ tham nhũng và những khoản nợ.
“Cùng với những khoản trả nợ của Trung Quốc không thuộc dự án CPEC, Bắc Kinh đang gây nguy hại đối với nền kinh tế Pakistan, đặc biệt là khi các khoản vay sẽ cần phải trả trong vòng 4-6 năm tới”, bà Alice cho hay.
Nhà ngoại giao giải thích chính sự thiếu “minh bạch” sẽ đội chi phí của dự án lên cao và dẫn tới tình cảnh gánh nặng về nợ chồng chất hơn.
Gợi ý cách giải quyết giúp Pakistan thoát khỏi tương lại u ám, Trợ lý Alice cho rằng quốc gia Nam Á nên hợp tác với Mỹ. Chính phủ Mỹ sẽ đề xuất những dự án tài trợ phát triển thay vì những khoản nợ, và khuyến khích các công ty tư nhân tự kinh doanh tại Pakistan.
“Nhắc nhở các bạn một chút, không giống Trung Quốc, Mỹ không bắt buộc hướng đi của các doanh nghiệp. Họ sẽ đi trên con đường nào có cơ hội lớn nhất đem về lợi ích chung”, bà Alice nhấn mạnh.
Phản ứng trước sự chỉ trích từ phía Mỹ, Trung Quốc đã có những lời lẽ đáp trả. “Quan hệ song phương giữa Pakistan và Trung Quốc dựa trên sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Chính phủ Trung Quốc sẵn lòng tái cơ cấu khoản nợ của Pakistan nếu cần. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – chủ yếu do phương Tây kiểm soát – lại sở hữu hệ thống trả nợ rất nghiêm ngặt”, Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Yao Jing lên tiếng.
Đại sứ Yao nhấn mạnh rằng khoảng 90% chủ nợ Pakistan đến từ phương Tây chứ không phải Trung Quốc, và bản thân Washington chưa gặp vấn đề gì khi còn đang nợ Bắc Kình nghìn tỷ USD. Đại sứ Yao cho rằng những lời cáo buộc các dự án Trung Quốc của Trợ lý Ngoại trưởng Alce chỉ dựa trên các thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông là không phù hợp với một quan chức chính phủ cấp cao.
Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn đang loay hoay trong cuộc chiến thương mại bùng phát kể từ tháng 7/2018, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Đầu tháng 11, hai bên thông báo đã nhất trí dỡ bỏ thuế đối với hàng hóa của nhau trong thỏa thuận thương mại giai đoạn hai nếu thỏa thuận này được hoàn tất.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng tranh chấp thương mại kéo dài giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang làm rối loạn các chuỗi nguồn cung, khiến giới đầu tư lo ngại và giảm lòng tin của các doanh nghiệp, do vậy làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu.