"Chúng tôi đang xem xét. Trên thực tế, Tổng thống đã yêu cầu chúng tôi phân tích vấn đề này. Vì vậy chúng tôi đang trong quá trình làm việc và để ông ấy đưa quyết định”, Bộ trưởng Gina trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN khi được hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Biden có cân nhắc việc dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm giảm lạm phát hay không.
"Những sản phẩm như hàng gia dụng, xe đạp… có khả năng dỡ bỏ thuế quan đối với những sản phẩm này”, Bộ trưởng Gina Raimondo nhấn mạnh thêm chính quyền quyết định duy trì thuế quan đối với các mặt hàng như thép và nhôm để bảo vệ người lao động Mỹ.
Trước đó, trong buổi họp báo ngày 10/5, Tổng thống Biden cho biết đang “xem xét cách thức tốt nhất” để giảm các mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc do người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt.
Trong năm 2018-2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, kéo theo cuộc chiến thương mại căng thẳng nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên giới.
Các quan chức chính quyền Biden vẫn “giậm chân tại chỗ” trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc trong nhiều tháng về việc nới lỏng thuế quan và đến nay vẫn chưa công bố một bước đột phá nào. Việc dỡ bỏ các biện pháp này có thể sẽ mang lại rủi ro chính trị cho Nhà Trắng, vốn không muốn bị coi là yếu thế trước Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc cũng lập luận việc giảm thuế sẽ cắt giảm chi phí cho người tiêu dùng Mỹ.
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã tăng vọt kể từ đầu năm 2021 khi nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, thậm chí khiến các chuỗi cung bị đứt gãy và chính sự mất cân bằng cung cầu đã tạo áp lực khiến giá cả tăng cao, chưa kể các nguyên nhân khác.
Ngày 11/5, Bộ Lao động Mỹ công bố tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 4 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là tháng thứ hai liên tục trong năm nay lạm phát vượt trên 8%. Như vậy, lạm phát ở Mỹ trong tháng 3 và tháng 4 năm nay đều tăng tới mức kỷ lục trong hơn 40 năm qua.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ra thông cáo báo chí nhận định tình hình lạm phát vẫn cao cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu liên quan tới đại dịch đồng thời giá năng lượng tăng cao đã tạo thêm nhiều áp lực về giá cả đối với nhiều loại mặt hàng.