Trong một thông báo mới nhất, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết các nước này sẽ hiệp nhất phản ứng của mình đối với vấn đề của Triều Tiên sau khi thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong buổi họp khẩn cấp vào ngày 6/1 vừa qua đã đồng ý và bắt đầu thảo luận các biện pháp mới đối với Bắc Triều Tiên.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, tổng thống Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Park Geun-Hye của Hàn Quốc và Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản.
Ba bên được cho là "đã đồng ý thống nhất để tiến tới một phản ứng quốc tế đoàn kết và mạnh mẽ đến hành vi khiêu khích mới nhất của Triều Tiên",
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với các phóng viên: "Chúng tôi nhất trí rằng các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên là hành vi không thể chấp nhận. Chúng tôi sẽ đối phó với tình trạng này một cách cứng rắn thông qua việc hợp tác với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ".
Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Obama.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết trong tuyên bố mới nhất, bà Park và ông Obama đã nhất trí hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế "phải đảm bảo rằng Bắc Triều Tiên phải trả giá cho những hành động của mình".
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tổ chức phiên họp khẩn cấp vào hôm thứ tư vừa qua và lên án cuộc thử nghiệm như là "một mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế."
Mặc dù vậy phía Nga được cho là đã phát triển mối quan hệ nồng ấm hơn với Triều Tiên, nên sẽ không thể mong chờ một sự đồng thuận về lệnh trừng phạt đến từ nước này.
Theo động thái mới nhất, phía Hàn Quốc đã bắt đầu hạn chế công dân nước mình nhập cảnh vào khu công nghiệp liên triều Kaesong ở Triều Tiên. Chỉ có những nhân vật cấp cao trực tiếp tham gia vào hoạt động của nhà máy mới được phép nhập cảnh từ miền nam, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết.
Seoul được cho là cũng xem xét thực hiện các chiến lược khác bao gồm cả việc khởi động lại chương trình phát sóng tuyên truyền qua biên giới. Các chương trình này vốn đã bị dừng lại vào năm ngoái như một phần của một thỏa thuận với Triều Tiên để giảm bớt căng thẳng đã leo thang mạnh giữa hai nước.
Mạnh Kiên