Bộ Thương mại Mỹ ngày 6/10 cho biết thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 8 đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm qua. Đây là dấu hiệu cho thấy thương mại có thể là tác nhân làm giảm tăng trưởng kinh tế trong quý III.
Theo Bộ trên, thâm hụt thương mại trong tháng 8 là 5,9%, đạt 67,1 tỷ USD, mức cao nhất từ tháng 8/2006. Cụ thể, nhập khẩu tăng 3,2%, đạt 239 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng hóa tăng 6,5 tỷ USD lên 203 tỷ USD. Xuất khẩu tăng 2,2% lên 171,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 3,5 tỷ USD lên 191,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã giảm 1,9 tỷ USD, xuống còn 26,4 tỷ USD trong tháng 8.
Cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm đứt quãng nghiêm trọng các dòng chảy thương mại, qua đó cũng ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Theo khảo sát do Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE), các nhà kinh tế đã bớt lạc quan về đà phục hồi của kinh tế Mỹ từ cuộc suy thoái do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra giữa những lo ngại về một làn sóng thứ hai của dịch bệnh này.
NABE cho biết một nhóm gồm 52 nhà kinh tế đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2020 cũng như năm 2021. Theo đó, mức dự báo trung bình về tăng trưởng GDP trong quý IV/2020 của Mỹ đã được hạ xuống 4,9% từ 6,8% trong cuộc khảo sát trước đó vào tháng Sáu. Dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ cho năm 2021 giảm tương ứng từ 4,8% xuống 3,6%.
Theo khảo sát của NABE, khoảng một nửa số nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ suy thoái "kép" ở Mỹ là 20% hoặc thấp hơn, trong khi 12% nhà kinh tế đánh giá tỷ lệ này là 50% hoặc cao hơn.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn còn chia rẽ về thời điểm kinh tế Mỹ sẽ trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch, khi khoảng 38% nhà kinh tế dự báo vào nửa cuối năm 2021, 32% người cho rằng vào nửa đầu năm 2022 và 22% nhà kinh tế tin rằng sẽ xảy ra vào nửa cuối năm 2022.