Sáu tháng sau khi được thông qua, Công ước toàn cầu của UNESCO về công nhận bằng cấp liên quan đến giáo dục đại học đã nhận được sự phê chuẩn đầu tiên từ Na Uy.
Bà Stefania Giannini, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO lĩnh vực Giáo dục nhận định đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Công ước không chỉ giúp việc di chuyển thuận lợi của học viên, sinh viên, nghiên cứu sinh, mà còn công nhận các khóa học và bằng cấp thông qua những hình thức học tập kết hợp mới, học tập từ xa, giáo dục mới, học tập trực tuyến xuyên biên giới. Bà chúc mừng Na Uy đã trở thành quốc gia phê chuẩn Công ước đầu tiên và khuyến khích các quốc gia thành viên khác đồng thuận vì lợi ích của học viên, giáo viên và các nhà nghiên cứu toàn thế giới.
Được thông qua bởi 193 quốc gia thành viên tại Đại hội UNESCO vào tháng 11/2019, Công ước toàn cầu là hiệp ước đầu tiên của Liên Hợp Quốc về giáo dục đại học trên phạm vi toàn cầu, và là khuôn khổ chuẩn mực quan trọng để suy nghĩ lại và tái hiện sự quốc tế hóa các tổ chức giáo dục đại học.
Ông Henrik Åsheim, Bộ trưởng Giáo dục đại học Na Uy bày tỏ mong muốn rằng việc phê chuẩn Công ước sẽ giúp các cá nhân có thể nhận được bằng cấp bất kể đang ở quốc gia nào. Điều này cũng giúp lao động có thể tìm được việc làm nhanh hơn, cũng như có thể cống hiến ở các quốc gia khác ngoài nơi họ học tập.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Hội nhập Guri Melby, chịu trách nhiệm về các vấn đề của UNESCO ở Na Uy, nói thêm: “Công ước này là một ví dụ điển hình về cách làm việc của UNESCO có tác động cụ thể đến các cá nhân trên toàn thế giới, dưới những tình huống bình thường cũng như trong khủng hoảng như hiện tại. Chúng ta cần các tổ chức toàn cầu dẫn đường và hoạt động vì những giá trị xã hội nền tảng, bao gồm nguyên tắc quyền bình đẳng trong giáo dục.”
Hiện tại, có hơn 5,3 triệu sinh viên đang học tập ở nước ngoài và 50% trong số này ghi danh vào các khóa học và chương trình bên ngoài khu vực sinh sống. Công ước toàn cầu được xây dựng dựa trên các công ước công nhận khu vực hiện có, tạo ra một nguyên tắc và nghĩa vụ cho sự di chuyển học thuật giữa các khu vực.
Bà Giannini tin tưởng rằng bằng cách đảm bảo rằng các bằng cấp được đánh giá một cách minh bạch và không phân biệt đối xử, cộng đồng giáo dục đại học toàn cầu có thể tăng khả năng tiếp cận giáo dục đại học theo cách bao quát hơn, cũng như mở rộng lưu thông kiến thức, đổi mới và sáng tạo giữa các tổ chức giáo dục đại học của thế giới.
Công ước toàn cầu sẽ tạo điều kiện trao đổi học thuật quốc tế và thúc đẩy quyền của các cá nhân có bằng cấp nước ngoài, thời gian nghiên cứu được đánh giá thông qua các cơ chế công bằng, minh bạch và không phân biệt đối xử. Khung pháp lý của Công ước khuyến khích các quốc gia trên toàn thế giới thiết lập các cơ chế chia sẻ thông tin và thực tiễn tốt, xây dựng mạng lưới giáo dục đại học. Công ước có hiệu lực khi được 20 quốc gia phê chuẩn.