Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) mới đây đã tuyên bố rằng các sinh viên nước ngoài bị chuyển sang hình thức học trực tuyến sẽ phải hồi hương.
"Tôi có thể thuộc diện bị trục xuất nếu trường không mở các lớp học cá nhân nào", Taimoor Ahmed, một sinh viên công nghệ thông tin tại Đại học Cal State ở Los Angeles nói. "Tôi rất lo lắng. Điều này sẽ thay đổi tương lai và kế hoạch của tôi".
Hai trường đại học hàng đầu nước Mỹ là Harvard và MIT mới đây đã đệ đơn kiện yêu cầu tòa án hủy bỏ quy định trên.
Chủ tịch Harvard Lawrence Bacow còn cho rằng lệnh trục xuất này "đã ném giáo dục đại học ở Mỹ vào hỗn loạn".
Nhưng các động thái quyết liệt này vẫn chưa đủ để giảm bớt nỗi lo của hơn 1 triệu du học sinh tại Mỹ.
"Tôi thực sự sợ hãi", một nữ sinh viên Ấn Độ tại một trường đại học lớn ở Texas, chia sẻ trong điều kiện giấu tên.
Sinh viên này dự định sẽ tiếp tục đăng ký các lớp học trực tuyến vào mùa thu nhưng giờ bắt buộc phải quay lại trường hoặc bị trục xuất.
"Không chỉ có tôi cảm thấy như vậy, có rất nhiều người cảm thấy lạc lõng tại một đất nước xa lạ. Nếu mắc COVID-19, sẽ chẳng có ai chăm sóc tôi, trong khi chi phí điều trị lại rất lớn so với ở quê nhà", cô gái 25 tuổi nói.
Hơn 4.000 sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học công lập của California và gần 5.000 người khác tại Harvard ở Massachusetts, chỉ có thể tham gia các lớp học online vào mùa thu này.
Có tới 84% các trường đại học này đang lên kế hoạch cung cấp một hệ thống kết hợp giữa các lớp học trực tuyến và trực tiếp nhằm giúp cho sinh viên không bị trục xuất.
Bất công
Tuy nhiên, nhiều sinh viên lo ngại rằng tình hình dịch bệnh tại Mỹ sẽ không được cải thiện cho tới cuối năm và họ sẽ bị trục xuất.
"Tôi nghĩ rằng thật khó để kiểm soát sự lây lan của virus trong một khuôn viên đông người như vậy", một sinh viên tại bang Arizona cho biết. "Tôi cảm thấy bất công khi những du học sinh như chúng tôi, dù hoàn toàn không làm lây lan dịch bệnh, lại là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất".
Nữ sinh viên này cho biết thời hạn bảo vệ khóa luận tốt nghiệp sẽ rơi vào tháng 11 và từ giờ cho tới đó cô sẽ sống trong cảnh bất an.
"Tôi đã đầu tư ba năm trong cuộc đời để làm việc chăm chỉ nhằm kiếm được tấm bằng này, nếu visa của tôi bị vô hiệu thì thật phí công", cô nói.
Du học sinh không phải là những người duy nhất lo ngại trước chính sách cứng rắn này của chính quyền Trump, nhiều trường đại học Mỹ cho rằng điều này có thể dẫn tới làn sóng đổ xô đi du học tại các trường châu Âu.
"Những quyết định này có nguy cơ gây thiệt hại cho một trong những tài sản mạnh nhất của Mỹ, đó là hệ thống giáo dục quốc tế hàng đầu, tốt nhất thế giới của chúng tôi", ông Aaron Reichlin-Melnick thuộc Hội đồng Di trú Mỹ, cho biết.