Năm 2018 qua những ánh mắt trẻ thơ

[Ngày Nay] - Trẻ em là cả thế giới. Và theo một cách nào đó, trong đôi mắt trong veo của trẻ em có hình phản chiếu của cả thế giới.
Năm 2018 qua những ánh mắt trẻ thơ

Sự sống bị bào mòn

Trẻ em, dù no hay đói, dù giàu hay nghèo, thì cũng thường sở hữu một thứ tài sản vô giá: ánh mắt trong veo khơi gợi sự thiện lương trong những người trưởng thành mỗi khi soi mình vào đó.

Chúng ta chưa thể quên, và sẽ không bao giờ có thể quên, ánh mắt của bé gái Yemen 7 tuổi Amal Hussain. Amal qua đời tháng 10 năm 2018 vì một lý do khiến những người trưởng thành sẽ cảm thấy bất công, bất bình và bất lực nhất: Chết đói.

Người cha trong cơn quẫn bách đã cho vào vali những thứ ông cần nhất. Và tạo vật quý giá nhất: một đứa trẻ không quá 2 tuổi và xinh đẹp như một thiên thần. Đôi mắt nhắm và hàng mi cong, em ngon giấc trong chiếc vali bất chấp nghịch cảnh đang diễn ra xung quanh mình. Đứa trẻ, như 50% trong tổng số 8 triệu trẻ em Syria hôm nay, chưa từng một ngày biết tới hòa bình.

Trong một thế giới mà mỗi giây đồng hồ trôi qua có tới 50 tấn thực phẩm bị lãng phí, thì khó có thể chấp nhận thực tế rằng có những đứa trẻ phải chết vì không có gì để ăn. Khi tấm hình của Amal được New York Times công bố ra thế giới một vài ngày trước khi em qua đời, người ta có thể đếm được từng chiếc xương trên thân thể cô bé. Chúng hiện ra một cách hiển nhiên, thống khổ với chỉ một lớp da mỏng bao phủ bên trên.

Duy chỉ ánh mắt Amal, dù chứa cả một trời thê lương, là vẫn trong veo. Và như một ân huệ cuối cùng, tử thần trước khi mang em đi vẫn để lại một chút phúng phính trên má cô bé như để nói với thế giới rằng em từng là đứa trẻ khỏe mạnh và xinh đẹp.

Có lẽ rằng Amal đã từng rất hạnh phúc trong những năm đầu đời, trước khi cuộc chiến tranh Yemen nổ ra năm 2015. Một cuộc chiến tranh ủy nhiệm tranh giành ảnh hưởng giữa hai ông lớn vùng Trung Đông là Arab Saudi và Iran, nhưng người phải trả giá là những em nhỏ Yemen như Amal.

“Nạn đói tồi tệ nhất thế kỷ”, “nạn đói quy mô nhất thế giới” - đó là những ngôn từ mạnh mẽ mà Liên Hợp Quốc đã đưa để cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo do loài người đang tạo ra ở Yemen. Có 1,8 triệu trẻ em Yemen đang trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng giống như cô bé Amal. Và Amal chỉ là một trong hơn 85.000 trẻ em Yemen đã thực sự chết vì đói.

Hơn 85.000 cặp mắt trong veo ấy đã không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời chiếu trên quê hương khốn khổ của chúng.

Thiên thần trong vali

Em bé trong vali không phải bước ra từ cuốn sách thiếu nhi bay bổng của nhà văn Nga Yevgeny Veltistov. Em bé ở giữa đời thực, trong dòng người hối hả tìm đường thoát khỏi tên bay đạn lạc ở “nồi hầm” đông Ghouta, Syria trong những ngày đầu năm 2018. Hình ảnh được ống kính của phóng viên Reuters Omar Sanadiki ghi nhận.

Năm 2018 qua những ánh mắt trẻ thơ ảnh 1

Đứa bé trong vali.

Người cha trong cơn quẫn bách đã cho vào vali những thứ ông cần nhất. Và tạo vật quý giá nhất: một đứa trẻ không quá 2 tuổi và xinh đẹp như một thiên thần. Đôi mắt nhắm và hàng mi cong, em ngon giấc trong chiếc vali bất chấp nghịch cảnh đang diễn ra xung quanh mình. Đứa trẻ, như 50% trong tổng số 8 triệu trẻ em Syria hôm nay, chưa từng một ngày biết tới hòa bình.

Cuộc chiến 8 năm qua đã lấy đi của đất nước Syria nhiều điều không bao giờ còn có thể tìm lại được. Thiệt thòi nhất là những đứa trẻ đã bị tước đoạt không chỉ tuổi thơ mà cả cơ hội trưởng thành trong phẩm giá. Hơn 7.000 đứa trẻ thiệt mạng hoặc thương tật, hơn 2 triệu đứa trẻ không được đến trường, hơn 3.300 đứa trẻ bị tuyển mộ vào các nhóm vũ trang. Khi những đứa trẻ hít khói thuốc súng để lớn lên, thì những điều cơ bản như trường học và vaccine trở thành những điều xa xỉ, còn những hành vi bạo lực và sự dửng dưng trước cái chết lại trở thành chuẩn mực thái độ và ứng xử thông thường. Tổn thương tinh thần mà những đứa trẻ Syria phải trải qua, theo các chuyên gia của tổ chức Save the Children, đã vượt lên trên ngưỡng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn thông thường. Đó sẽ là những thương tổn không thể đảo ngược mà đứa trẻ có phải mang theo suốt đời.

Thiên thần Syria say ngủ trong chiếc vali nói với người lớn chúng ta rằng trẻ em chính là những bảo vật quý giá hơn mọi thứ trên đời. Chúng chính là tương lai của gia đình, của dòng tộc, của đất nước và của loài người.

Tương lai ấy đang bị đe dọa khi tổ ấm mà người lớn có thể cho chúng chỉ là một chiếc vali.  

Giết và bị giết

Chiến tranh, với nhiều đứa trẻ, sẽ không bao giờ là điều có thể quên và bỏ lại phía sau. Những đứa trẻ bị tước đoạt tuổi thơ, bị xé khỏi gia đình, bị đặt vào tay một khẩu súng và trở thành cỗ máy giết người.

Trẻ em phải chết, dù ở bất cứ đâu và vì bất cứ lý do gì, đã là một sự phi lý. Những đứa trẻ phải chết đau đớn và thê thảm vì những nguyên nhân có thể khắc phục được tại những quốc gia có đủ điều kiện để chăm lo cho chúng là tột cùng của sự phi lý.

Lễ hạ vũ khí của 300 binh sĩ trẻ em chiến đấu trong lực lượng vũ trang Nam Sudan tại vùng chiến sự Yambio hồi đầu năm nay là hình ảnh đầy ám ảnh. Trong số 300 đứa trẻ, có tới một phần ba là trẻ em gái được tuyển mộ để làm nô lệ tình dục cho các tay súng trưởng thành. Còn những cậu bé trai thì phần lớn đều có thể sử dụng súng máy thành thạo và không đếm xuể số người mà mình đã sát hại. 

Năm 2018 qua những ánh mắt trẻ thơ ảnh 2

Hai chị em Mave Grave va Racahele-Ngabausi.

Tại quốc gia non trẻ nhất thế giới này, có tới 19.000 đứa trẻ đã bị tuyển mộ vào các nhóm vũ trang sau này hợp nhất lại thành lực lượng vũ trang Nam Sudan. Chúng cầm súng là do đói khát hoặc bị bắt cóc. Kịch bản luôn giống nhau, những đứa trẻ bị các tay súng kéo vào một lùm cây hay bụi rậm, và từ đó chúng không còn được thấy lại cha mẹ của mình.

Trong lễ xuất quân tại Yambio, ám ảnh nhất là tấm hình một cậu bé ở độ tuổi nhi đồng của phóng viên AFP Stefanie Glinski. Thân hình nhỏ xíu, không cao hơn khẩu súng trường là mấy, lọt thỏm giữa hàng ngũ những cựu binh trẻ em. Gương mặt buồn rầu và ánh mắt cam chịu cố giấu vào lưng người đứng trước. Sự tĩnh lặng của người lính nhỏ tuổi khiến những ai nhìn vào tấm ảnh cảm thấy nghẹt thở trước những gì em đã phải trải qua và trước một sự bất công quá lớn đang diễn ra trên thế giới loài người.

Giống như Nam Sudan, xung đột sắc tộc và tranh giành quyền lực cũng là những lý do đẩy nước láng giềng Cộng hòa Dân chủ Congo vào cảnh điêu linh. Tuy cuộc nội chiến gần đây nhất kết thúc cách đây đã 16 năm, nhưng một số khu vực tại đất nước này vẫn là điểm nóng hoạt động của các nhóm vũ trang, nơi các cuộc thảm sát và tội ác man rợ vẫn đang diễn ra trên diện rộng.

Hãy nhìn vào gương mặt những đứa trẻ sống sót qua cuộc chém giết ở ngôi làng Tchee trong năm nay để thấy xung đột đang diễn ra một cách vô liêm, vô nhân và vô nghĩa đến nhường nào.

Trong bức ảnh của phóng viên Reuters Goran Tomasevic là những đứa trẻ mồ côi còn sót lại của một gia đình đông con ở làng Tchee. Bé gái Mave Grave, 11 tuổi, với gương mặt đầy lo toan và một bên tay bị chặt cụt, bàn tay còn lại âu yếm ôm đầu cô em gái nhỏ đang nép vào chân mình. Bé Racahele-Ngabausi mới chỉ 2 tuổi và có một vết sẹo mã tấu chạy chéo từ trán xuống dưới bầu má.

Những phần tử vũ trang đã xông vào làng cùng với mã tấu. Cảnh tượng cuối cùng mà Mave Grave nhìn thấy trước khi bất tỉnh là cảnh một kẻ tấn công mổ bụng người mẹ đang mang thai của em và giết chết đứa trẻ còn chưa ra đời. Khi tỉnh lại, em không còn mẹ, không còn ba người anh em trai, và không còn một bàn tay. 

Sự ngơ ngác và đau đớn ngự trị trong ánh mắt hai đứa trẻ không còn gì trên đời: không còn mẹ, không còn hy vọng, không còn niềm tin, không còn hiện tại, không còn cả tương lai.

Bóng ma Apartheid

Trẻ em phải chết, dù ở bất cứ đâu và vì bất cứ lý do gì, đã là một sự phi lý. Những đứa trẻ phải chết đau đớn và thê thảm vì những nguyên nhân có thể khắc phục được tại những quốc gia có đủ điều kiện để chăm lo cho chúng là tột cùng của sự phi lý.

Năm 2018 qua những ánh mắt trẻ thơ ảnh 3

Bia mộ của cậu bé Michael Komape.

Nam Phi, với GDP tính theo sức mua lên tới hơn 13.000 USD, là nền kinh tế đứng hàng thứ 34 trên thế giới. Nhưng đây cũng là đất nước mà một phần lớn mầm non tương lai được ươm trong những trường học tồi tàn, xập xệ khó chấp nhận dù ở bất cứ quốc gia nào.  Tại ngôi làng Chebeng ở tỉnh Limpopo, có ngôi mộ với tấm bia đá khắc hình một bé trai 5 tuổi có đôi mắt to và gương mặt thông minh, sáng sủa. Đó sẽ là hình ảnh mà bạn bè và người thân nghĩ tới khi nhớ về cậu bé này. Nhưng trong ký ức của bố mẹ cậu bé Michael Komape, một hình ảnh khác của con trai sẽ khiến họ đau đớn và ám ảnh suốt cuộc đời. Họ đã tìm thấy thi thể cậu bé trong tình trạng chết đuối ngập dưới hầm phân của nhà vệ sinh mục nát trong trường học, duy nhất một bàn tay thò lên kêu cứu trong những phút cuối của cuộc đời.

Đó là 4 năm về trước. Và năm 2018, tiếp tục có 2 đứa trẻ khác, bé gái Lumka Mkhethwa 5 tuổi và bé trai Omari Monono 3 tuổi, thiệt mạng trong những tình huống tương tự. Chúng đều chung đặc điểm sống ở vùng nông thôn và là người da đen. Những đứa trẻ chết đuối dưới hầm phân trên đất nước Nam Phi thế kỷ XXI có thể đã được cứu sống, nếu sự thịnh vượng và của cải xã hội được chia sẻ một cách thiết thực và có trách nhiệm tới những tầng lớp thiệt thòi trong xã hội.

Những đôi mắt trẻ thơ trong veo không chỉ khơi gợi sự thiện lương, mà còn đợi chờ sự tự vấn ở những người trưởng thành. Nhìn vào đôi mắt những đứa trẻ sống ở những vùng tối của trái đất trong năm 2018, chúng ta bỗng thấy mình thật bé nhỏ. Và yếu đuối. Và bất lực!

Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.