Năm điều cần biết về vaccine ngừa Covid-19

Mặc dù đã được thử nghiệm trên người, vaccine chống Covid-19 vẫn còn lâu mới có thể sử dụng đại trà.

Sáng 17/3 (giờ Việt Nam), 4 trong 45 tình nguyện viên tại Mỹ đã được tiêm mũi đầu tiên của một loại vaccine thử nghiệm phòng ngừa virus corona chủng mới. Việc thử nghiệm vaccine diễn ra 65 ngày sau khi các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về bộ gene của chủng virus corona mới, tác nhân gây nên bệnh Covid-19.

Vaccine là gì?

Tiêm vaccine là phương pháp phòng bệnh, sử dụng chính hệ thống miễn dịch của con người để chống lại các mầm bệnh lây nhiễm như vi khuẩn hoặc virus. Theo trang web của Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine là "một trong những cách hữu hiệu nhất để chống lại dịch bệnh".

Năm điều cần biết về vaccine ngừa Covid-19 ảnh 1

Vaccine mang phiên bản ít độc tính hơn của virus, vi khuẩn để cơ thể có thể "học" và kích hoạt hệ miễn dịch khi gặp lại chúng. - Ảnh: Gov.uk.

Hệ miễn dịch của cơ thể người có cơ chế phòng bệnh tự nhiên rất hiệu quả. Những tế bào miễn dịch hay bạch cầu có thể phát hiện và tiêu diệt những loại virus, vi khuẩn lạ xâm nhập vào cơ thể. Trong phần lớn trường hợp, hệ miễn dịch có thể "ghi nhớ" những kẻ xâm nhập này và tạo thành kháng thể để chống lại chúng sau này.

Vaccine là một bản sao chép ít nguy hiểm của những mầm bệnh. Chúng khiến cho cơ thể nghĩ rằng cơ thể đã bị nhiễm khuẩn hoặc virus, thúc đẩy hệ miễn dịch chống lại các mối nguy đó. Ví dụ, vaccine sởi khiến cơ thể nghĩ đã bị nhiễm sởi. Khi bạn được tiêm phòng sởi, cơ thể bạn sẽ tạo ra một bản ghi về virus sởi. Nếu bạn tiếp xúc với virus sởi trong tương lai, hệ thống miễn dịch của cơ thể đã được mồi và sẵn sàng đánh bại nó trước khi bạn có thể bị bệnh.

Loại vaccine đầu tiên được nhà khoa học người Anh Edward Jenner tạo ra vào cuối thế kỷ 18. Ông đã cạo mủ từ một người vắt sữa bị đậu mùa bò - loại bệnh do virus rất giống virus đậu mùa gây ra - và tiêm mủ vào người một cậu bé. Cậu bé này sốt nhẹ và cũng bị bệnh đậu mùa bò nhẹ, nhưng sau đó đã miễn dịch với đậu mùa.

Năm điều cần biết về vaccine ngừa Covid-19 ảnh 2

Nhà khoa học Edward Jenner là người tạo ra loại vaccine đầu tiên phòng bệnh đậu mùa. - Ảnh: Pan American Health Organization.

Việc tiêm mủ đã giúp cơ thể cậu nhóc nhận biết được virus, và vì virus này giống với bệnh đậu mùa, sau đó cơ thể cậu đã tự chiến đấu với virus và không nhiễm bệnh.

Ngày nay, rõ ràng chúng ta không còn tiêm mủ của những người bị bệnh vào cơ thể nữa. Vaccine được kiểm soát rất chặt chẽ về tiêu chuẩn an toàn, trải qua quy trình thử nghiệm nghiêm ngặt và các chính phủ đều có hướng dẫn sử dụng rõ ràng.

Trong vaccine có gì?

Vaccine gồm nhiều thành phần, nhưng nhìn chung có các thành phần chính là kháng nguyên, tá dược và chất bảo quản.

Kháng nguyên là thành phần quan trọng nhất, giúp cơ thể nhận ra đây là một thành phần xâm nhập. Tùy thuộc vào loại vaccine, kháng nguyên có thể là một phân tử từ virus như chuỗi DNA hoặc protein, hoặc cũng có thể là virus sống đã bị làm suy yếu. Ví dụ, vaccine sởi chứa virus sởi đã được can thiệp để giảm độc lực.

Năm điều cần biết về vaccine ngừa Covid-19 ảnh 3

Tình nguyện viên được tiêm vaccine Covid-19 thử nghiệm vào ngày 17/3. - Ảnh: AP.

Khi cơ thể được tiêm vaccine sởi, hệ miễn dịch sẽ nhận ra chuỗi protein của virus sởi và tìm cách tạo ra kháng thể để loại bỏ nó.

Tá dược là các chất giúp khuếch đại phản ứng miễn dịch đối với kháng nguyên. Vaccine có thể có tá dược hoặc không, tùy thuộc vào loại vaccine.

Một số loại vaccine được đựng trong các ống có thể sử dụng nhiều lần, do vậy phải có cả chất bảo quản để đảm bảo có thể để được lâu mà không sợ vi khuẩn xâm nhập. Một trong những loại chất bảo quản được quan tâm nhất là thimerosal, do nó chứa hợp chất thủy ngân ethylmercury. Theo trang web của CDC, hợp chất thủy ngân trong thimerosal không gây hại cho cơ thể.

Tuy nhiên, việc sử dụng các loại ống vaccine dùng một lần ngày càng phổ biến. Các loại ống này sẽ không cần chất bảo quản như thimerosal.

Làm thế nào để có vaccine Covid-19?

Để tạo ra vaccine hiệu quả đối với virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học phải tìm ra được kháng nguyên có thể tạo ra phản ứng miễn dịch đối với virus này.

SARS-CoV-2 thuộc chủng virus corona, với kiểu dáng gồm nhiều gai giống như vương miện. Những chiếc gai này giúp virus xâm nhập tế bào cơ thể dễ hơn và tự nhân lên. Các nhà khoa học đã phân tích các gai này và cho rằng chúng có thể là kháng nguyên cho bất kỳ loại vaccine virus corona nào.

Các gai protein (còn gọi là protein S) cũng là đặc điểm của các loại virus corona con người từng gặp trong quá khứ như loại gây ra bệnh SARS năm 2003. Điều này đã giúp các nhà nghiên cứu bắt đầu xây dựng vaccine chống lại một phần protein S. Bằng cách sử dụng mô hình động vật, họ đã chứng minh rằng họ có thể tạo ra phản ứng miễn dịch.

Nhiều công ty trên khắp thế giới đang nghiên cứu vaccine SARS-CoV-2, phát triển nhiều cách khác nhau để kích thích hệ thống miễn dịch. Một phương pháp được nói đến nhiều sử dụng một loại vaccine tương đối mới lạ được gọi là "vaccine axit nucleic". Các loại vaccine này về cơ bản chứa một đoạn mã di truyền nhỏ hoạt động như kháng nguyên.

Năm điều cần biết về vaccine ngừa Covid-19 ảnh 4

Thử nghiệm trên động vật như chuột là một trong những bước quan trọng nhất để có vaccine. - Ảnh: Jacksons Laboratory.

Một số công ty như Moderna có thể nhanh chóng tạo ra vaccine bằng cách hợp các mã di truyền ở protein S với phân tử chất béo và tiêm vào cơ thể. Đại học Hoàng gia London thì tạo ra vaccine từ RNA - mã di truyền của virus. Công ty Inovio ở Mỹ thì tạo ra chuỗi DNA để kích thích phản ứng miễn dịch.

Một số tổ chức khác thì đang thử nghiệm các loại tá dược để khuếch đại phản ứng của hệ miễn dịch. Theo Harvard Gazette, đây là cách làm hướng tới những người già, hệ miễn dịch đã không còn phản ứng hiệu quả với vaccine.

Bao giờ thì vaccine dùng được đại trà?

Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm thuộc NIH, cho rằng vẫn phải mất 12-18 tháng nữa mới có thể tạo ra vaccine dùng được đại trà. Đây vẫn là tốc độ kỷ lục, khi việc thử nghiệm trên người diễn ra chỉ 65 ngày sau khi các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về bộ gene của chủng virus corona mới.

Vì sao mất nhiều thời gian đến vậy mới sản xuất được vaccine dùng đại trà? Không chỉ trải qua nhiều công đoạn, vaccine còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe.

"Bất kỳ loại thuốc bán ra cũng phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng tiêu chuẩn bao gồm 1-3 bước. Chúng tôi cần đảm bảo rằng thuốc an toàn, sẽ không gây hại và biết hiệu quả của nó", Bruce Thompson, trưởng khoa y tại Đại học Swinburne, Australia cho biết.

Năm điều cần biết về vaccine ngừa Covid-19 ảnh 5

Rất nhiều giai đoạn thử nghiệm và cấp phép là lý do vaccine Covid-19 không thể có sớm, ít nhất 12 tháng nữa mới dùng được đại trà. - Ảnh: AP.

Các nhà khoa học không thể giả định vaccine sẽ phản ứng tốt, mà họ buộc phải thử nghiệm rất nhiều lần với hàng nghìn tình nguyện viên. Quá trình phát triển vaccine cso thể chia thành 6 giai đoạn:

- Thiết kế vaccine: nghiên cứu mầm bệnh và quyết định làm thế nào để tạo ra kháng nguyên kích thích hệ miễn dịch.

- Thử nghiệm trên động vật: vaccine sẽ được thử nghiệm trên những con vật để đảm bảo có tác dụng trên động vật và không có tác dụng phụ quá nguy hiểm.

- Thử nghiệm lâm sàng bước 1: đây là bước đầu tiên thử nghiệm trên người để kiểm tra độ an toàn, liều lượng và các tác dụng phụ của vaccine. Quá trình này chỉ cần một số ít người thử nghiệm.

- Thử nghiệm lâm sàng bước 2: các nhà khoa học phải phân tích kỹ hơn ảnh hưởng của vaccine tới cơ thể người. Họ phải thử nghiệm trên số đông bệnh nhân và phân tích các phản ứng về sinh lý của cơ thể.

- Thử nghiệm lâm sàng bước 3: ở bước này số bệnh nhân tham gia thử nghiệm sẽ còn nhiều hơn, thời gian thử nghiệm dài hơn.

- Cấp phép: các cơ quan quản lý về dược như FDA của Mỹ hay EMA của châu Âu sẽ nghiên cứu các kết quả kiểm nghiệm và kết luận thuốc có an toàn hay không để cấp phép sử dụng đại trà.

Thông thường, để tạo ra một loại vaccine có thể mất đến hơn 10 năm. Khi quá trình cấp phép đã hoàn tất, công ty dược phẩm mới có thể sản xuất vaccine số lượng lớn.

Với vaccine SARS-CoV-2, theo STATnews, công ty Moderna đã chuyển từ bước thiết kế vaccine thẳng tới thử nghiệm lâm sàng bước 1, bỏ qua thử nghiệm trên động vật.

Có cách khác chữa Covid-19 không?

Bên cạnh vaccine, người bệnh Covid-19 nếu nhập viện sẽ có phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Khi người bệnh bị viêm phổi và ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, họ có thể được đặt máy thở, hoặc điều trị bằng khá sinh để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn khác. Kháng sinh được dùng để tiêu diệt vi khuẩn, nên sẽ không diệt được virus.

Năm điều cần biết về vaccine ngừa Covid-19 ảnh 6

Đến khi đã nhập viện, người bệnh nhiễm Covid-19 sẽ được điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau. - Ảnh: Tân Hoa Xã.

Một số loại thuốc khác cũng có thể vô hiệu hóa virus như Remdesivir. Loại thuốc này tuy chưa được cấp phép sử dụng đại trà, nhưng đã được thử nghiệm lâm sàng. Remdesivir có khả năng loại bỏ chuỗi RNA polymerase mà virus sử dụng để nhân bản. Do đó, loại thuốc này có thể dùng cho nhiều loại virus khác nhau chứ không chỉ dành riêng cho SARS-CoV-2.

Trung Quốc còn sử dụng nhiều loại thuốc khác cho quá trình điều trị, trong đó có cả thuốc chống virus HIV. Một số nhà nghiên cứu tại Australia cũng sử dụng thuốc chống sốt rét tên Chloroquine cho bệnh nhân Covid-19 và cho biết có tác dụng. Nhìn chung các loại thuốc này đều ức chế, khiến cho virus không thể nhân bản, qua đó giảm tác hại của bệnh và có thể rút ngắn thời gian điều trị.

Theo Zing
TIN LIÊN QUAN
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.