Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có những chia sẻ về vấn đề này.
- Thưa Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc số hóa di sản trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay?
- Chúng ta đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ở đó, dữ liệu được xem là nguyên liệu cơ bản, thậm chí được coi là quý hơn vàng, là đầu vào cho công nghệ dữ liệu lớn (big data). Việc số hóa dữ liệu giúp chúng ta lưu trữ dữ liệu một cách lâu dài hơn, hệ thống hơn, phù hợp hơn với cách khai thác thông qua các phương tiện kỹ thuật số, đồng thời tương thích với hoạt động lưu giữ và phổ biến dữ liệu di sản của các nước tiên tiến trên thế giới. Tôi tin rằng, dữ liệu số hóa về di sản văn hóa sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy, quản lý di sản văn hóa.
- Nhiều năm qua, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã thực hiện công tác tư liệu hóa và số hóa di sản. Ông có thể cho biết quá trình số hóa đã đóng góp như thế nào cho Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam?
- Xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc số hóa dữ liệu di sản, từ năm 2017 đến nay, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tăng cường tiến hành số hóa kho dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể. Đây là kho dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể lớn nhất cả nước, với 865 băng tư liệu, 40.000 ảnh, 10.000 trang báo cáo.
Với kho dữ liệu này, Viện đã thực hiện thành công nhiều hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đệ trình UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh...
Điều quan trọng nữa là nhờ nỗ lực số hóa di sản văn hóa phi vật thể của Viện mà Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICHCAP) đã quyết định lựa chọn Ngân hàng Dữ liệu di sản văn hóa của Viện để đầu tư thành Ngân hàng vệ tinh của UNESCO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn 10 năm tới. Đây vừa là vinh dự của Viện, đồng thời cũng thể hiện uy tín của Việt Nam trong nỗ lực số hóa di sản nói riêng, bảo vệ di sản văn hóa nói chung.
- Với một quốc gia có khối lượng di sản đồ sộ như Việt Nam, Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa có vai trò như thế nào đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa, thưa ông?
- Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, chúng ta cần phải hiểu rõ giá trị, đánh giá được thực trạng của di sản. Trong khi đó, di sản văn hóa phi vật thể có một đặc điểm là phụ thuộc vào các nghệ nhân, những người lưu giữ kinh nghiệm, kỹ năng thực hành di sản. Chính vì thế, di sản văn hóa phi vật thể dễ bị ảnh hưởng khi vắng bóng người thực hành, nghệ nhân - những người do tuổi tác nên ngày càng thưa vắng, không có cách gì bù đắp được ngoại trừ tư liệu hóa kỹ năng của họ.
Với mục đích giữ gìn di sản, từ năm 1997, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tiến hành sưu tầm và lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể ở tất cả các địa phương, với hầu hết các tộc người trên cả nước. Số lượng đồ sộ với 5.123 băng tư liệu thô, 672 phim khoa học, 91.553 ảnh và hàng trăm ngàn trang tài liệu đã giúp chúng ta có cái nhìn khái quát về thực trạng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, giúp lưu giữ những tư liệu sống động, xác thực nhất về thực hành di sản văn hóa trong nhiều loại hình như lễ hội truyền thống hay diễn xướng dân gian.
Đó là tư liệu quý mà hiện nay, kể cả có tiền cũng không thể phục dựng hay tái hiện được. Đây chính là cơ sở để tiến hành nghiên cứu, phục hồi, quảng bá giá trị di sản văn hóa Việt Nam, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam |
- Trong quá trình xây dựng Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì?
- Thuận lợi lớn nhất là Viện được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vì vậy, các yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Ngân hàng dữ liệu di sản cũng như kinh phí triển khai các dự án đa phần được duy trì, bảo đảm, tạo điều kiện cho Viện sưu tầm và phát huy kho dữ liệu di sản văn hóa.
Tiếp theo là Viện nhận được sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu và của chính các cộng đồng, nghệ nhân. Nhiều nhà nghiên cứu đã tặng toàn bộ thành quả sưu tầm của mình cho kho dữ liệu của Viện như nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh... Viện cũng có đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, yêu nghề, gắn bó với di sản văn hóa dân tộc nên công việc gặp nhiều thuận lợi.
Tuy vậy, khó khăn cũng rất nhiều khi công nghệ số hóa đòi hỏi nhiều máy móc với sự đầu tư lớn. So với nhu cầu của Viện, những nỗ lực trong thời gian qua vẫn chưa làm thỏa mãn mong muốn dữ liệu di sản sớm được số hóa để được lưu giữ dài lâu, cũng như có thể sử dụng kho dữ liệu này cho các mục đích nghiên cứu và quảng bá khác.
Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số, kết nối vạn vật, đang đặt ra những yêu cầu bức thiết trong việc làm giàu có thêm kho dữ liệu di sản để có thể bao quát được hệ thống di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú và đa dạng của Việt Nam, kết nối với các kho dữ liệu tương đồng trên thế giới, khai thác được giá trị dữ liệu di sản phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Theo ông, cần có những giải pháp như thế nào để phát huy chức năng của Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay?
- Việc phát huy giá trị ngân hàng dữ liệu này có ý nghĩa không chỉ đối với lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng, văn hóa nói chung, mà còn giúp ích cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, việc trở thành một Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa có uy tín trong khu vực và trên phạm vi quốc tế là động lực lớn của Viện trong những năm sắp tới.
Để làm được điều này, bên cạnh việc tiếp tục số hóa toàn bộ kho dữ liệu di sản, Viện đang xây dựng cổng thông tin điện tử nhằm ứng dụng các công nghệ mới nhất để quảng bá và phát huy giá trị Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa, kết nối với các kho dữ liệu di sản văn hóa khác trên thế giới.
Viện sẽ tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên để họ nắm vững các công nghệ tiên tiến, ứng dụng vào việc khai thác và phát huy giá trị di sản. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất hướng tới việc đưa dữ liệu di sản văn hóa vào cuộc sống, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững đất nước bằng văn hóa, vì văn hóa và cho văn hóa chính là mong muốn lớn nhất của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!