Nâng cao vị thế của Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Với việc trở thành thành viên của Liên minh Đại dương Toàn cầu, Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ đối tác với các nước, từ đó nâng cao vị thế của mình trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) vừa ra thông báo về việc Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương tham gia Liên minh Đại dương Toàn cầu (GOA) của Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng thời ủng hộ sáng kiến mục tiêu “30% diện tích đại dương được bảo vệ vào năm 2030” (Sáng kiến 30x30).

Thông tin tới phóng viên VietnamPlus, sáng 21/12, đại diện Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học nhấn mạnh trở thành thành viên của Liên minh GOA sẽ là một bước tiến mới của Việt Nam trong công tác tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, kết nối với cộng đồng quốc tế để trao đổi kinh nghiệm; từ đó giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.

Theo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, sáng kiến 30x30 là một trong những mục tiêu chính của khung đa dạng sinh học toàn cầu, nhằm kêu gọi thế giới bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của Trái Đất thông qua việc thành lập các khu bảo tồn (PA) và các biện pháp bảo tồn hiệu quả dựa trên khu vực khác (OECM).

Sáng kiến 30x30 được kỳ vọng sẽ trở thành định hướng mới, đặc biệt là tiếp tục thúc đẩy thế giới bảo tồn môi trường biển với thành tựu lớn hơn.

Với việc trở thành thành viên của Liên minh GOA và tham gia thực hiện sáng kiến 30x30, Việt Nam đã tích hợp các mục tiêu liên quan vào Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, trong đó tăng diện tích khu bảo tồn biển và ven biển từ 3-5% đến năm 2030.

Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối điều phối tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, cũng sẽ thúc đẩy việc áp dụng OECM tại Việt Nam để đóng góp cho việc thực hiện thành công mục tiêu sáng kiến 30x30 trên toàn cầu.

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 15 đang diễn ra tại Montreal (Canada), mục tiêu trên cũng sẽ được các lãnh đạo thế giới thảo luận để có thể đưa ra hướng đi hiệu quả nhất cho công tác bảo vệ đại dương.

Về phần mình, bước đầu, Việt Nam sẽ tham gia những cuộc trao đổi liên quan để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi chính thức trở thành thành viên của Liên minh GOA.

Bên lề hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng sẽ làm việc song phương với các tổ chức đối tác để huy động sự hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện mục tiêu 30x30 và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương tham gia Liên minh Đại dương Toàn cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục liên quan để đăng ký tham gia liên minh này theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020.

Trước đó, cũng bên lề hội nghị này, ngày 13/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Sự kiện “Bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam” nhằm giới thiệu đa dạng sinh học của Việt Nam và các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học đồng thời kêu gọi các đối tác cùng hợp tác hành động để ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học đang diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã nhấn mạnh các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học của Việt Nam cùng với những thành tựu đã đạt được trong việc góp phần vào thực hiện các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học; qua đó khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục và mở rộng các mối quan hệ đối tác, bao gồm cả hợp tác công - tư trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc WWF Toàn cầu cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về bảo tồn đa dạng sinh họctrong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đã có nhiều hành động quyết liệt để thực hiện các cam kết quốc tế về đa dạng sinh học.

Trên cơ sở đó, Tổng Giám đốc WWF Toàn cầu khẳng định tổ chức này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về đa dạng sinh học.

TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).