Ngày 1/2, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã bác bỏ tuyên bố của Washington rằng Moskva đang vi phạm thỏa thuận hạt nhân cuối cùng còn lại giữa hai nước. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA, ông Antonov đã miêu tả lời cáo buộc trên là "giật gân", đồng thời nhấn mạnh rằng Nga luôn tuân thủ các điều khoản của hiệp ước New START.
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trình báo cáo lên Quốc hội, trong đó lần đầu tiên cáo buộc Moskva vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Cụ thể, báo cáo cho rằng các quan chức Nga đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc thanh sát vũ khí tại chỗ cũng như tuân thủ các cuộc đàm phán.
Đáp lại các cáo buộc kể trên, Đại sứ Antonov nói rằng chính Washington đã vi phạm hiệp định bằng cách rút "bất hợp pháp" trên 100 loại vũ khí chiến lược khỏi trách nhiệm giải trình theo hiệp ước.
“Những hành động này phá hoại mục tiêu chính của thỏa thuận là duy trì sự cân bằng vũ khí tấn công chiến lược của các bên”, Đại sứ Nga tại Mỹ nhận xét.
Đối với tuyên bố rằng Moskva đã từ chối cho phép thanh sát tại chỗ và hoãn phiên họp tiếp theo của Ủy ban Tư vấn Song phương, nhà ngoại giao này tuyên bố rằng Mỹ đang cố gắng đổ lỗi và từ chối nhìn ra nguyên nhân sâu xa của tình trạng khó khăn hiện tại. Theo ông, việc thanh tra vũ khí không thể tách rời khỏi thực tế địa chính trị. Và trong điều kiện hiện nay, việc mời quân đội Mỹ đến các cơ sở chiến lược của Nga là không đúng lúc và không phù hợp.
“Chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra với Washington rằng tình hình liên quan đến hiệp ước START là kết quả trực tiếp của cuộc chiến hỗn hợp do phương Tây gây ra chống lại đất nước chúng tôi”, ông Antonov nói.
Đại sứ nhấn mạnh Nga vẫn cam kết tuân thủ hiệp ước New START, đồng thời coi đây là công cụ hữu ích để đảm bảo khả năng dự đoán trong quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân.
Tuy nhiên, ông khẳng định rằng nếu Mỹ không thay đổi lập trường, hai bên sẽ không đạt được bất kỳ bước tiến nào trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Được ký kết năm 2010, thỏa thuận New START nhằm hạn chế kho vũ khí của Nga và Mỹ ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai, giảm gần 30% so với mức được đặt ra hồi năm 2002. Đến tháng 1/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí kéo dài hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026. Cho đến nay, Moskva và Washington cho phép lẫn nhau mỗi năm được thực hiện dưới 20 lần thanh sát trong khuôn khổ New START.
Nếu không được gia hạn, hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2026, khiến giới quan sát lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.