Trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng ông không đưa ra lời đe dọa trong cuộc họp kéo dài ba giờ, mà đã vạch ra các lợi ích quan trọng của Mỹ, bao gồm cả vấn đề an ninh mạng và nói rõ với đối phương rằng Mỹ sẽ đáp trả nếu Nga xâm phạm những lo ngại đó.
Cả hai vị Tổng thống đều sử dụng những lời nói vui vẻ, cẩn trọng để mô tả cuộc nói chuyện của họ trong một biệt thự ven hồ, trong đó ông Putin cho rằng hội nghị này mang tính chất xây dựng và không có thái độ thù địch, còn ông Biden nói rằng không có gì thay thế cho các cuộc thảo luận trực tiếp.
Họ cũng đồng ý cử các đại sứ quay trở lại sau những bất đồng. Trước đó Nga triệu hồi đại sứ tại Washington sau khi ông Biden tuyên bố Tổng thống Nga là "kẻ sát nhân", trong khi Mỹ cũng đã triệu tập đại sứ tại Moscow quay về nước.
Dù giữ thái độ hòa nhã, nhưng hai nhà lãnh đạo cũng không giấu giếm sự khác biệt của họ về các vấn đề như nhân quyền, khi ông Biden nói rằng hậu quả đối với Nga sẽ là "khủng khiếp" nếu nhà đối lập Alexei Navalny bị bỏ tù.
Tại hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo hai nước đã đi tới tuyên bố chung khẳng định Nga và Mỹ đã chứng minh được rằng ngay cả trong thời điểm căng thẳng, hai bên vẫn có thể đạt được tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu chung để đảm bảo khả năng có thể dự đoán trong lĩnh vực chiến lược và giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Tuyên bố chung có đoạn: "Việc gia hạn Hiệp ước START gần đây là một minh chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hôm nay, chúng tôi tái khẳng định nguyên tắc sẽ không thể có kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và (do đó) không bao giờ được để cuộc chiến đó xảy ra".
Phát biểu với báo giới, ông Putin bác bỏ lo ngại của Mỹ về Navalny, việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới phía đông Ukraine và đề xuất của Mỹ rằng người Nga phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công mạng tại Mỹ.
Ông cũng cho rằng Washington không có tư cách gì để thuyết phục Moscow về nhân quyền, loại bỏ nghi vấn về cuộc đàn áp các đối thủ chính trị bằng cách nói rằng ông đang cố gắng tránh "sự rối loạn" của phong trào nổi tiếng Black Lives Matter.
"Những gì chúng tôi thấy là tình trạng mất trật tự, gián đoạn, vi phạm pháp luật,...Chúng tôi cảm thấy thông cảm cho nước Mỹ, nhưng chúng tôi không muốn điều đó xảy ra trên lãnh thổ của mình và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để không cho phép nó xảy ra”, ông Putin nói.
Mối quan hệ Mỹ-Nga đã xấu đi trong nhiều năm, đặc biệt là với việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 từ Ukraine, đặc biệt là các cáo buộc cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong cuộc gặp tại Geneva, Tổng thống Putin, 68 tuổi, gọi người đồng cấp Biden, 78 tuổi, là một đối tác có kinh nghiệm và nói rằng họ nói "cùng một ngôn ngữ." Nhưng Tổng thống Nga khẳng định rằng không có tình hữu nghị, thay vào đó là một cuộc đối thoại thực dụng về lợi ích của hai nước.
Ông Putin nói rằng thật "khó nói" liệu quan hệ song phương có được cải thiện hay không, nhưng có một "tia hy vọng" liên quan đến sự tin tưởng lẫn nhau.
Còn Tổng thống Joe Biden cho rằng: "Đây không phải là về sự tin tưởng, đây là về lợi ích và xác minh lợi ích".