Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa chỉ đạo các nhà băng kiểm soát chặt việc huy động vốn khi thấy một số đơn vị tăng lãi suất tiền gửi nhanh ở một số kỳ hạn, phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tình hình và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng vi phạm", chỉ đạo của Thống đốc nêu rõ. Theo đó, các nhà băng phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, không làm ảnh hưởng đến sự ổn định và mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng liên tục đẩy cao chương trình huy động tiền gửi, phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao. Nếu như đầu năm, các chương trình chứng chỉ tiền gửi chỉ có mặt bằng chung quanh ngưỡng 8-9% thì gần nhất, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với lãi suất tới 10,2%.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động cũng có chiều hướng tăng trở lại, với mức cao nhất khoảng 8,2-8,4% mỗi năm, thậm chí vượt 9% với một số chương trình đặc biệt áp dụng cho lượng tiền gửi lớn và kỳ hạn dài.
Nhà điều hành cho rằng, động thái tăng lãi suất tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến ổn định, lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến và tâm lý tiêu cực, có nguy cơ dẫn tới cuộc đua về lãi suất huy động, gây bất ổn thị trường tiền tệ.
Theo các chuyên gia, một phần lý do đến từ nhu cầu vốn trung - dài hạn của các ngân hàng. Những quy định của cơ quan quản lý siết dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn được xem là áp lực chính khiến các nhà băng phải thay đổi cơ cấu nguồn vốn huy động, theo hướng gia tăng nguồn vốn kỳ hạn dài.
Bên cạnh đó, cuộc đua phát hành trái phiếu bất động sản và những trường hợp phát hành trái phiếu để đảo nợ cho khách hàng cũng được xem là một trong những lý do đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Từ đó, các ngân hàng thương mại cũng tham gia cuộc đua lãi suất trên thị trường tiền gửi của dân cư.