Ngành đường sắt trước nguy cơ dừng chạy tàu: Ai chịu trách nhiệm?

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), để xảy ra tình trạng 20 doanh nghiệp đường sắt lao đao như hiện nay bắt nguồn từ việc thiếu hợp tác của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Ngân sách đã có, vấn đề còn lại là Bộ Giao thông Vận tải cần họp với Cục Đường sắt và VNR để ký hợp đồng giải ngân vốn.
VNR nói có nguy cơ dừng chạy tàu vì vướng mắc khi chuyển về UBQLV (Ảnh minh họa)
VNR nói có nguy cơ dừng chạy tàu vì vướng mắc khi chuyển về UBQLV (Ảnh minh họa)
Ngày 25/2, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, bộ đã phân công cho Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với một số cục, vụ liên quan rà soát, tìm cách tháo gỡ vướng mắc về ngân sách cho ngành đường sắt theo chỉ đạo của Thủ tướng. 
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, các quy định pháp luật đã có đầy đủ, vấn đề ở chỗ VNR phải phối hợp với Cục Đường sắt ký hợp đồng, giải ngân nguồn vốn. 
“Ngân sách đã được Bộ GTVT phân bổ, dự toán, giao Cục Đường sắt xử lý. Cục đã mời lãnh đạo VNR 4 lần lên để bàn ký hợp đồng giải ngân vốn, song lãnh đạo VNR không lên. Lỗi ở đây là do doanh nghiệp (tức VNR) chứ không phải của Nhà nước”, ông Tiến nói. 
“Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã đề nghị VNR có vướng mắc gì phải giải trình để tháo gỡ, song 3 tháng nay họ không có đề nghị. Họp Quốc hội chúng tôi cũng đã đề nghị nếu có ý kiến thì chúng tôi sẽ hướng dẫn tháo gỡ nhưng không thấy gì”, vị cục trưởng cho biết thêm. 
Theo ông Tiến, tại cuộc họp ngày 24/2, Thủ tướng cho biết, đáng lẽ phải phê bình lãnh đạo VNR không thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý. Mấu chốt hiện nay, theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, là Bộ GTVT cần họp bàn với các bên để giải quyết.
“Thủ tục ký hợp đồng, trình tự ra sao, vướng mắc gì thì Bộ GTVT cần xem xét để sửa đổi quy chế, quy định cho phù hợp. Trường hợp vượt thẩm quyền, phải sửa nghị định để đảm bảo thông thoáng hơn thì Bộ GTVT phải trình Thủ tướng tháo gỡ. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 24/2, Bộ GTVT cho biết, không vướng gì cả nên các bên cần phối hợp với nhau làm”, ông Đặng Quyết Tiến nói thêm. 
Một tồn tại của VNR được Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chỉ rõ là doanh nghiệp này thuộc một trong những tổng công ty tái cơ cấu, chuyển đổi doanh nghiệp rất chậm. 
“Khi Luật Đường sắt, Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân sách ra đời, bộ máy của tổng công ty trên vẫn không thay đổi để phù hợp với luật. Bởi thế, khi tất cả các tổng công ty, doanh nghiệp khác thay đổi, chuyển sang đặt hàng đấu thầu dịch vụ công thì VNR vẫn muốn đòi làm theo dự toán. Nói thẳng ra là ông không làm được, mượn áp lực ép lên để thực hiện theo cơ chế cũ. Thủ tướng đã yêu cầu trong năm nay phải đổi mới hết, thay đổi cơ chế để phù hợp với 3 luật trên, thực hiện đấu thầu, đặt hàng”, Cục trưởng Đặng Quyết Tiến nói. 
Trước mắt, theo ông Tiến nếu thủ tục chưa đầy đủ thì Bộ GTVT cần cho VNR tạm ứng ngân sách trả lương cho người lao động, ổn định đời sống, đảm bảo vận hành sản xuất. 

Không có vướng mắc về luật

Liên quan đến những bất cập mà VNR phản ánh, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, vướng mắc là do VNR chứ không phải của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. “Từ khi chuyển về UBQLV, VNR không thay đổi để phù hợp với các quy định mới. Họ không đổi mới mô hình tổ chức theo các quy định của luật mà lại muốn sửa luật để phù hợp với chính hoạt động của họ”, ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, vướng mắc trong việc giao vốn không phải từ Bộ GTVT xuống VNR mà là vướng từ VNR xuống 20 công ty “con”. 20 công ty này là các công ty cổ phần nên theo quy định của pháp luật phải tổ chức đấu thầu, trong khi đó VNR lại muốn “có quyền” giao vốn cho các đơn vị trên.

“Nếu tổ chức đấu thầu thì không có vấn đề vướng mắc gì xảy ra, nhưng ở đây VNR lại không muốn đấu thầu. Trong khi luật quy định, doanh nghiệp nhà nước thì không thể giao vốn cho công ty cổ phần mà bắt buộc phải đấu thầu, công khai, minh bạch hiệu quả nguồn vốn nhà nước”, ông Kiên nói đồng thời khẳng định: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết 87 của Quốc hội và các quy định pháp luật khác đều không vướng mắc gì cả.

Theo Tiền Phong
TIN LIÊN QUAN
Bình luận
Các đại biểu tham quan khu trưng bày “Sản phẩm Khoa học, Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo” trong khuôn khổ lễ hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025 do Bộ KH&CN và UBND TP. Hà Nội tổ chức.
Sở hữu trí tuệ: Công cụ phát triển kinh tế trong thời đại số
(Ngày Nay) - Từ một bản nhạc vang lên trên nền tảng số đến sản phẩm địa phương vươn tầm quốc tế nhờ chỉ dẫn địa lý, tất cả đều phản ánh một thực tế: Khi ý tưởng được bảo hộ, sáng tạo mới có cơ hội sinh lời và lan toả giá trị bền vững.
Ảnh minh hoạ.
TP Hồ Chí Minh: Hướng dẫn chi tiết lịch thi vào lớp 10
(Ngày Nay) - Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh vừa công bố lịch thi lớp 10 năm học 2025-2026. Thí sinh dự tuyển lớp 10 năm học 2025 - 2026 sẽ thực hiện 3 bài thi, gồm: Ngữ văn, toán và ngoại ngữ (ngoại ngữ 1 đang học tại trường).
Ảnh minh họa
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc khuyến nghị nhiều giải pháp nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 25/4, trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, ông Jean Todt, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về an toàn giao thông đường bộ đã làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan liên quan, trao đổi giải pháp phối hợp nhằm nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành chủ trì buổi làm việc.