COVID-19 bùng phát suốt 2 tháng, tại sao các thị trường giờ mới bị ảnh hưởng?

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã bùng phát tại Trung Quốc suốt từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, các thị trường thế giới mãi gần đây mới có dấu hiệu "nhiễm bệnh".
Thị trường chứng khoán các nước giảm mạnh phiên 24/2. Ảnh: Reuters
Thị trường chứng khoán các nước giảm mạnh phiên 24/2. Ảnh: Reuters

Nhân tố ổ dịch ngoài Trung Quốc 

Theo kênh CNN (Mỹ), sự bùng phát của chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) ở hai nền kinh tế lớn ngoài Trung Quốc đã dập tắt hy vọng kinh tế thế giới hồi phục nhanh chóng sau dịch COVID-19. Dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho chuỗi cung toàn cầu và giảm mạnh lợi nhuận của các công ty.

Hãng tin AP cho biết số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc - nhà sản xuất ô tô, điện tử và máy móc quan trọng - đã tăng vọt lên 1.146 ca vào sáng 26/2. Số liệu xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc khả quan trong tháng 12/2019, lần đầu tiên trong 14 tháng. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu Oxford Economics cho rằng cả xuất khẩu và sản xuất công nghiệp sẽ thiệt hại vì bùng phát dịch ở Trung Quốc. Công ty này cảnh báo các nhà sản xuất điện tử, ô tô và thiết bị điện Hàn Quốc sẽ gặp khó khăn về nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc. 

Tại Italy, cuối tuần trước chỉ ghi nhận vài chục ca nhiễm virus, nay đã tăng lên 322 và 11 ca tử vong. Giới chức Italy đã đóng cửa các tòa nhà công cộng, trường học, hủy sự kiện thể thao ở một số khu vực công nghiệp phía Bắc Italy. 

Kinh tế Italy đã sụt giảm 0,3% trong ba tháng cuối năm 2019 so với quý trước đó. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, một số nhà kinh tế đã cho rằng Italy sẽ suy thoái đầu năm 2020.

Nhiều ca bệnh ở Italy xuất phát từ khu vực Lombardy mà thủ phủ khu vực này là trung tâm tài chính Milan. Turin, nơi có trụ sở hãng ô tô Fiat Chrysler, nằm ở phía Tây Milan, còn các nhà sản xuất ô tô khác như Ferrari nằm ở phía Đông Nam. Milan cũng là nơi có nhiều công ty sản xuất hàng xa xỉ, thời trang. Nếu dịch bệnh lan rộng, các khu vực quan trọng này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Italy vẫn đang gặp khó khăn vì chưa tìm được người lây nhiễm đầu tiên. Các biện pháp hạn chế virus lây lan ở Italy đã ảnh hưởng tới 100.000 người.

Trong khi đó, Nhật Bản đã có 840 ca nhiễm, trong đó 691 ca từ du thuyền Diamond Princess. Kinh tế Nhật Bản đã giảm 1,6% trong quý bốn năm 2019. Nếu giảm thêm một quý nữa, nền kinh tế thứ ba thế giới sẽ rơi vào suy thoái.

Như vậy, bốn trong số 12 nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm 27% GDP toàn cầu, đang chật vật chống dịch bệnh. Nền kinh tế thứ 5 là Đức cũng đang trên bờ vực suy thoái. 

COVID-19 bùng phát suốt 2 tháng, tại sao các thị trường giờ mới bị ảnh hưởng? ảnh 1

Phun thuốc khử trùng để ngăn chặn virus tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images

Vấn đề toàn cầu

Số ca nhiễm bệnh tăng nhanh ngoài Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy thế giới bước vào giai đoạn mới trong cuộc chiến chống SARS-CoV-2, gây ra rủi ro lớn hơn cho các công ty và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giới chức các nước và lãnh đạo doanh nghiệp từng nghĩ biện pháp mạnh của Trung Quốc sẽ giảm tốc độ virus lây lan và ngăn chặn virus lan ra thế giới.

Nhiều người hy vọng các nhà máy của Trung Quốc sẽ khởi động lại quá trình sản xuất nhanh chóng sau khi đóng cửa dài ngày và kinh tế Trung Quốc có cơ hội trở lại tình trạng bình thường trong quý hai. Khi đó, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 sẽ chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức dự kiến.

Tuy nhiên, bà Georgieva cho biết bà cũng đang xem xét các kịch bản ảm đạm hơn khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lan rộng và kéo dài.

Trong bối cảnh Trung Quốc chưa dập xong dịch mà nhiều nước lại phát sinh ổ dịch mới nguy hiểm, các thị trường chứng khoán đã bị tác động mạnh cho dù không bị ảnh hưởng trong gần hai tháng qua. Những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán cho thấy rủi ro ngày càng lớn với kinh tế toàn cầu.

Chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/2 với mức giảm gần 3,9%, đánh dấu ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2018. Tại Italy, chỉ số chứng khoán chính giảm hơn 5% giá trị. Chỉ số Dow của Mỹ mất 1.031 điểm, tương đương 3,6%. Trái lại, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua.

Ông Kevin Giddis, chiến lược gia công ty Raymond James (Mỹ), nhận định: “Khi virus chỉ có ở Trung Quốc và các nước gần đó, người ta coi đó là vấn đề kinh tế của châu Á. Khi virus lan sang Italy và giờ trở thành vấn đề của châu Âu, có thể là vấn đề toàn cầu, có thể chuỗi cung sẽ bị gián đoạn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới”. Đó là lý do các thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.