Nghệ An, Thanh Hóa: Mưa lũ tiếp tục cô lập nhiều nơi

Ngày 9-9, tại địa bàn 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rất lớn khiến công tác khắc phục đợt mưa lũ trước đó gặp khó khăn khi thêm nhiều điểm bị sạt lở.

Quốc lộ 15C đoạn qua xã Pù Nhi (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) bị sạt lở nặng vẫn chưa thông tuyến
Quốc lộ 15C đoạn qua xã Pù Nhi (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) bị sạt lở nặng vẫn chưa thông tuyến

Đến chiều 9-9, ở huyện miền núi Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), nhiều nơi vẫn bị chia cắt, cô lập. Tuyến quốc lộ 15C nối miền xuôi lên Mường Lát vẫn chưa thể thông tuyến.

Ghi nhận tại địa bàn xã Pù Nhi, hàng ngàn khối đất đá đổ xuống đường gây ách tắc nghiêm trọng. Việc vận chuyển nhu yếu phẩm lên Mường Lát chỉ có thể thực hiện bằng cách đi bộ. Để cung cấp xăng dầu cho người dân, ngành chức năng đã phải trung chuyển nhờ qua nước Lào, sau đó mới đi vòng về Mường Lát. Hơn 32.000 lít xăng dầu đã về đến trung tâm huyện Mường Lát và đang phân phối cho các điểm xã. Các công nhân cùng nhiều loại máy móc vẫn đang làm việc 24/24 giờ để thông tuyến quốc lộ 15C sớm nhất.

Trong khi đó, 2 xã Mường Chanh và Quang Chiểu vẫn bị cô lập, một số nơi đã tiếp cận được nhưng rất khó khăn. Đường từ xã Trung Lý lên Tén Tằn có nhiều điểm bị hư hỏng, gây ách tắc toàn tuyến.

Tại tỉnh Nghệ An, mưa lớn khiến quốc lộ 7 đoạn qua dốc Chó (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông) bị sạt lở nghiêm trọng vào ngày 8-9. Điểm sạt lở dài khoảng 50m (qua bản Boong) với lượng đất đá rất lớn. Việc sạt lở này đã gây ách tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc giao thương, đi lại. Bởi quốc lộ 7 là tuyến đường chính nối miền xuôi với các huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và thông thương với Lào qua cửa khẩu Nậm Cắn.

Đến chiều 9-9, đoạn đường qua đây đã tạm thời được thông tuyến. Mưa lớn cũng gây ra sạt lở gần thủy điện Nậm Mô (huyện Kỳ Sơn). Đoạn sạt lở cách phía dưới thân đập khoảng 50m và kéo dài khoảng 100m...

Mưa lũ lớn trong những ngày qua khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân các xã miền núi Mường Típ và Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) bị đe dọa do sạt lở. Trên 200 hộ dân các bản Xốp Típ, Na Mỳ (xã Mường Típ) và bản Xốp Phong (xã Mường Ải) đang nơm nớp lo sạt lở, nứt núi. Nhiều người đã phải rời nhà đi ở tạm nhà người thân trong vùng…

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong ngày 9-9 đã có mưa trên diện rộng. Lượng mưa đo trong 3 giờ chiều 9-9 tại Kim Long là 124mm, Bình Thành 70,6mm, Cổ Bi 51,4mm, hồ chứa nước Khe Ngang 140mm, Tà Lương 37,8mm, Trà My 74,8mm, Lộc Ngãi 29,2mm... Nhiều nơi ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Lâm Đồng đứng trước nguy cơ lũ quét; nhất là các huyện Hương Trà, Phú Lộc, Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, TP Huế (Thừa Thiên - Huế); Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam); Bảo Lộc, Lâm Hà, Bảo Lâm (Lâm Đồng); Chư Prông (Gia Lai), Ia H’rai (Kon Tum), Easúp (Đăk Lăk)... 

Cùng ngày, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, nước lũ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục lên cao, hiện đã vượt mức 4m và sẽ lên 4,3m vào ngày 15-9 (trước đây, dự báo đỉnh lũ chỉ lên tới 3,6 - 3,9m).

Nghệ An, Thanh Hóa: Mưa lũ tiếp tục cô lập nhiều nơi ảnh 1

 Quốc lộ 15C đoạn qua xã Pù Nhi (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) bị sạt lở nặng vẫn chưa thông tuyến

Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam gửi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện nay lũ sớm đã gây thiệt hại cho 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Long An. Trong đó, An Giang có 1.015ha lúa thiệt hại trên 70%; vỡ 1 cống bảo vệ tiểu vùng sản xuất vụ thu đông thuộc huyện Tri Tôn (hiện đã khắc phục).

Kiên Giang có 316ha lúa thiệt hại trên 70%. Long An có 405,5ha lúa bị thiệt hại (trong đó có 400ha lúa bị thiệt hại, giảm năng suất 5% - 10%, 4ha giảm năng suất 30%, 1,5ha giảm năng suất 30% - 50%).

Cũng theo thống kê, hiện tại ở 4 tỉnh bị đe dọa bởi nước lũ sông Cửu Long có tổng số ô bao, bờ bao cần bảo vệ là 3.530 ô. Trong đó Đồng Tháp có 1.798 ô, An Giang có 838 ô, Kiên Giang có 528 ô và Long An có 366 ô.

Theo cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, khu vực Nam bộ (gồm TPHCM) sẽ có mưa rào vào ngày 10-9 và từ ngày 14 đến 19-9. Từ ngày 11 đến ngày 13-9, ngày nắng, chiều tối có mưa rào và dông rải rác.

Ở ngoài khơi xa thuộc Thái Bình Dương, cơn bão có tên quốc tế là Măng cụt (Mangkhut) đã phát triển lên mức bão mạnh và được dự báo ở mức “rất mạnh” vào ngày 10-9.

Tới ngày 12-9, bão Măng cụt sẽ phát triển thành một “siêu bão” với cấp độ đạt cấp 17-18 theo thang dự báo cấp độ bão (bão mạnh bình thường chỉ có cấp 11-12). Đây là cơn bão được các đài dự báo bão quốc tế nhận định sẽ di chuyển vào biển Đông vào cuối tuần này.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần DAP số 2 (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem), ngay sau khi xảy ra vụ vỡ đập bao khu chứa 45.000m³ chất thải của Nhà máy DAP Lào Cai ở khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), hàng trăm công nhân và phương tiện đã được huy động, tập trung “hàn khẩu” lại đoạn đập chắn bị vỡ.

Đến ngày 9-9, cơ bản việc “vá” đoạn đập bị vỡ đã xong. Hình thức xử lý kỹ thuật là đắp 1 con đê quây với bề mặt rộng khoảng 5m, cao 4m; sau đó phủ vải địa kỹ thuật chống thấm để nước trong hồ chứa không thể chảy ra bên ngoài. Về lâu dài, Công ty cổ phần DAP số 2 sẽ thuê cơ quan chuyên môn khảo sát, tính toán, thiết kế hồ chứa đảm bảo an toàn.

Về phần tiếp tục khắc phục hậu quả do chất thải và acid tràn ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới 41 hộ dân và môi trường của khu vực rộng lớn, đến nay Công ty cổ phần DAP số 2 cho biết đã sử dụng tới 500 tấn vôi bột để trung hòa acid tại các suối Mã Ngan, Suối Hoai, Suối Nhuần. Hiện vẫn chưa thống kê chính xác mức độ thiệt hại của hàng chục hộ dân ở thị trấn Tằng Loỏng và xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng. Tuy nhiên trước mắt, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty cổ phần DAP số 2 đã ứng trước, hỗ trợ mỗi hộ dân 17 triệu đồng để ổn định cuộc sống và sản xuất.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.