Methanol là dạng đơn giản nhất của alcohol, có liên hệ rất gần với ethanol (một dạng alcohol thường có trong bia, rượu), nhưng methanol độc hơn rất nhiều và thường xuất hiện trong những loại bia rượu tự làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Methanol hình thành một lượng rất nhỏ trong quá trình lên men, làm rượu từ những sản phẩm thực vật như nước ép trái cây, ngũ cốc… Nó thường xuất hiện một lượng nhỏ trong rượu bia nhưng không đủ để gây ngộ độc. Tuy nhiên, các loại rượu mạnh chưng cất tại nhà như gin hoặc rum có nồng độ cao cả ethanol và methanol.
Rượu công nghiệp thường an toàn vì nhà máy dùng công nghệ đặc biệt để tách methanol khỏi ethanol. Nhưng rượu tự làm thường không được dùng công nghệ ấy, và hầu như không có phương cách an toàn nào để tách methanol khỏi ethanol.
Điều đáng lo ngại là nhiều khi rượu tự làm được đưa vào thay thế cho rượu công nghiệp ở các hàng quán vì giá rẻ hơn. Thậm chí rượu tự làm cũng có thể được đóng chai và bán thương mại. Ở nhiều nước, bán rượu tự làm là bất hợp pháp. Do đó, cách an toàn nhất là biết rõ nguồn gốc rượu được bán để tránh bị ngộ độc.
Ngộ độc methanol gây ra các tác hại như suy thận, các vấn đề tim mạch và tuần hoàn, hại gan, rối loạn thị giác như mờ mắt, hẹp tầm nhìn, biến đổi nhận biết màu sắc, mù tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây hại cho thần kinh và não bộ… Thời gian ngộ độc càng lâu, nguy cơ mất thị giác, mất khả năng tư duy và ảnh hưởng đến cả các nội tạng càng cao.
Các triệu chứng của ngộ độc methanol:
Dấu hiệu đầu tiên của ngộ độc methanol khó phân biệt với chứng say rượu thông thường. Có thể có các triệu chứng nhẹ trong vòng chừng một tiếng sau khi uống như nôn mửa, đau dạ dày, tương tự như ngộ độc rượu.
Sau chừng 12-24 tiếng, các triệu chứng rõ ràng hơn xuất hiện như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mắt mờ. Đây là khoảng thời gian rất nguy hiểm vì thường mọi người đã đi ngủ, bỏ mặc các dấu hiệu này và chẩn đoán bệnh chậm trễ.
Nếu mắt đã mờ đến mức khó có thể nhìn vào ánh sáng chói, đây đã là lúc nguy hiểm cần cấp cứu gấp.
Nếu cảm thấy có những triệu chứng bất thường sau khi uống rượu, mọi người nên lập tức khi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ có thể chữa ngộ độc methanol bằng ethanol ngăn chặn quá trình hình thành axit formic. Họ cũng có thể sử dụng các loại thuốc như fomepizole ức chế methanol chuyển thành các độc chất vào cơ thể, hemodialysis làm sạch methanol trong máu…
Theo PLO