Hãng tin Sputnik đưa tin cho hay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 29/4 đã tái khẳng định lập trường của Moscow rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp.
"Đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông. Lập trường của Nga là không thay đổi - những vấn đề này không nên quốc tế hóa, không một ai từ bên ngoài nên can thiệp vào quyết định của họ", ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng nhiệm Vương Nghị tại Bắc Kinh. Ảnh Military Times.
"Có Công ước Liên Hợp Quốc về luật quốc tế, có Tuyên ngôn về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết, có những nguyên tắc chỉ đạo đã được thống nhất giữa Bắc Kinh và các thủ đô của ASEAN", ông Lavrov nhấn mạnh.
"Chính đó là những gì cần thiết để chỉ đạo hướng dẫn và giải quyết bất kỳ vấn đề nảy sinh bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ, thông qua cuộc đối thoại trực tiếp của các nước quan tâm bằng phương cách chính trị và ngoại giao", ông Lavrov cho biết trong một tuyên bố ở Bắc Kinh sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng các nước liên quan trực tiếp nên tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán.
"Quốc tế hóa, đặc biệt là các nước bên ngoài Biển Đông, nên đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc duy trì, ổn định và không khiến tình hình trở nên hỗn loạn hơn", ông Vương Nghị nói.
Bình luận về tuyên bố trên, trang Military Times cho hay trong bối cảnh bị chỉ trích mạnh mẽ về các hoạt động khai hoang và quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc đã tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của Nga và các quốc gia khác ở ASEAN để đối trọng với sự gia tăng hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines, quốc gia đã đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa án Trọng tài Quốc tế của Liên Hợp Quốc để giải quyết vấn đề.
Trung Quốc đã từ chối tham gia vào phiên tòa cũng như công nhận phán quyết của tòa án.
Tại cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Nga và Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối kế hoạch triển khai hệ thống chống tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc trong bối cảnh Washington đang xem xét đề xuất của Seoul về việc triển khai hệ thống THAAD tại quốc gia này nhằm đối phó với các mối đe dọa từ tên và hạt nhân của Triều Tiên, trang Military Times đưa tin cho biết thêm.
"Các quốc gia có liên quan không nên sử dụng hành vi của Bình Nhưỡng như một cái cớ để tăng sự hiện diện quân sự của họ trên bán đảo Triều Tiên", ông Lavrov cho biết. "Chúng tôi tin rằng việc triển khai có thể có của các hệ thống chống tên lửa THAAD sẽ không giải quyết được vấn đề này."
Điều đó có thể "đổ thêm dầu vào ngọn lửa của tình hình vốn đã căng thẳng và thậm chí có thể phá hỏng sự cân bằng chiến lược trong khu vực," ông Lavrov cảnh báo.
Cả nhà ngoại giao Nga và Trung Quốc đều kêu gọi các nỗ lực khởi động lại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã bị đình trệ từ năm 2008.
Hoàng Hải