Trong năm 2023, hiện tượng khan hiếm nước ở quốc gia châu Phi này luôn được ghi nhận ở mức báo động, không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Trước thực trạng này, nhà hoạt động xã hội Mamadou Diakhate đã quyết định tổ chức một chiến dịch gây quỹ từ thiện, kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ giúp người dân sinh sống ở những khu vực khan hiếm nước đào giếng ngầm.
“Hiện có rất nhiều vấn đề về nguồn nước tại các ngôi làng ở khu vực phía Bắc Senegal. Tình trạng này đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Chính tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng nhiều phụ nữ trong vùng phải di chuyển 7- 8 cây số chỉ để lấy nước tưới tiêu”, ông Diakhate chia sẻ. “Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm gì đó giúp họ”.
Nhiều giếng nước tại các khu vực dân sinh ở Senegal đã bị hư hỏng nặng theo thời gian. Bằng cách kêu gọi ủng hộ thông qua Internet và mạng xã hội, ông Diakhate hi vọng có thể gắn kết các cộng đồng và chung tay giải quyết vấn đề thiếu nước trầm trọng hiện nay.
Tính từ năm 2020 đến nay, nhóm tình nguyện của ông Diakhate đã xây dựng được hơn 50 giếng nước hỗ trợ người dân, và hiện vẫn đang tiếp tục hoàn thiện 9 công trình khác. Nhờ vào sự hỗ trợ này, nhiều ngôi làng như Ourou Amady Bagga đã khắc phục được tình trạng thiếu hụt nguồn nước .
Theo chia sẻ của ông Yoro Boubou Ba, trưởng làng Ourou Amady Bagga, người dân trong vùng đã không còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và họ hy vọng rằng hoạt động canh tác nông nghiệp sẽ sớm trở lại bình thường, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.
“Chúng tôi chỉ gây quỹ qua kênh Internet nhưng cũng đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng”, ông Diakhate cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Pepperdine, mặc dù hiện tại chỉ chiếm 0,1% thị trường toàn cầu, nhưng các chiến dịch gây quỹ cho cộng đồng châu Phi ở khu vực cận Sahara có thể đạt tới 2,5 tỷ USD vào năm 2025.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện phần việc của mình và hỗ trợ cho các cộng đồng địa phương có một cuộc sống tốt hơn”, ông Diakhate chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ Liên Hợp Quốc, kể từ đầu thế kỉ 21, tình trạng hạn hán đã xuất hiện thường xuyên hơn, với tỷ lệ xảy ra là 29%. Một số chuyên gia cho rằng một loạt các vấn đề về môi trường như hiện tượng nóng lên toàn cầu và nạn chặt phá rừng gia tăng, chính là những tác nhân khiến cho nhiều khu vực dần trở nên khô hạn.