Các nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu sản phẩm lâm nghiệp Nhật Bản cho biết đồ uống có nguồn gốc từ vỏ cây này có chất lượng tương tự như rượu được ủ trong thùng gỗ.
Phương pháp sản xuất bao gồm nghiền gỗ thành bột mịn, rồi cho thêm men và enzyme để thúc đẩy quá trình lên men. Thông qua việc tránh dùng nhiệt, các nhà nghiên cứu cho biết họ có thể bảo quản hương vị của từng loại gỗ.
Cho đến thời điểm này, họ đã sản xuất được rượu từ gỗ cây tuyết tùng, bạch dương và anh đào. Bốn kg bột gỗ tuyết tùng có thể cho ra 3,8 lít chất lỏng, với nồng độ rượu là 15%, tương đương với rượu sake rất được ưa chuộng tại Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp ủ rượu và nấu với loại rượu mới này và đánh giá rượu nấu từ nguyên liệu gỗ dường như có hương vị ngon hơn.
Gỗ anh đào được cho là sẽ có màu giống rượu vang nho của Pháp. |
Gỗ lên men vốn được dùng sản xuất nhiên liệu sinh học, song sản phẩm này chứa chất độc và không có mùi vị, khiến nó không phù hợp để làm đồ uống. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Nhật Bản lại có thể biến gỗ lên men thành đồ uống có mùi vị, bởi phương pháp của họ không cần đến nhiệt hay axit sulphuric để phân hủy gỗ.
Viện Nghiên cứu sản phẩm lâm nghiệp Nhật Bản đang đặt mục tiêu thương mại hóa sản xuất thông qua hợp tác với tư nhân và đưa sản phẩm rượu gỗ lên kệ trong 3 năm tới. Nhật Bản có rất nhiều cây trên khắp cả nước và các nhà nghiên cứu hy vọng người dân có thể thưởng thức rượu đặc trưng của từng vùng cây.
Theo Nông Nghiệp